Thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước cùng DN của Hà Nội đã liên kết, hợp tác đưa một số nông sản sạch của Sơn La về Thủ đô, tuy nhiên nguồn hàng cung cấp chưa thực sự bền vững.
Tiềm năng có, khó đầu ra
Đến các huyện Mai Sơn, Mộc Châu của tỉnh Sơn La, hình ảnh dễ bắt gặp là những vùng rau, vùng chè xanh mướt trải dài tít tắp. Những ruộng cải mèo non tơ mỡ màng luôn được dưỡng ẩm bằng hệ thống tưới tự động khá hiện đại. Những luống cải bắp cuộn tròn xoe ngay cả trong tiết trời tháng Tám âm lịch khiến cho lãnh đạo nhiều DN của Hà Nội thích thú. Đại diện HTX Yên Sơn, huyện Mai Sơn cho biết, vùng chuyên canh rau của địa phương được thẩm định, cấp giấy chứng nhận VietGAP nên rất đảm bảo về chất lượng. Bởi vậy, mong muốn của địa phương là sản phẩm làm ra tiếp cận được thị trường rộng lớn như Hà Nội.
Dù có nhiều thế mạnh, song hiện nay việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La gặp không ít khó khăn. Ông Mai Đức Thịnh – Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19 - 5, huyện Mộc Châu cho biết, HTX có hệ thống chăn nuôi hơn 1.000 con lợn Mông lai với lợn đực rừng. Giống lợn này được nuôi bằng bỗng ngô kết hợp với ăn cỏ, rau sống, chất lượng ngon nhưng đang gặp khó về đầu ra. Bên cạnh đó, sản phẩm rau, quả tươi của Mộc Châu chủ yếu bán về Hà Nội qua các kênh tự do, việc tiếp cận các siêu thị còn hạn chế.
Sơn La có diện tích hơn 900.000ha đất nông nghiệp với điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đặc biệt, tỉnh có 2 cao nguyên lớn là Mộc Châu và Nà Sản, đất đai phì nhiêu, thuận lợi trồng rau, cây công nghiệp như mía, cà phê, cao su và các giống cây ăn quả như xoài, nhãn, na, dứa, chuối… Ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La chia sẻ, vùng xoài của tỉnh diện tích hơn 3.400ha, chủ yếu ở huyện Yên Châu có chất lượng rất ngon nhưng hiện nay đang bị xoài của các tỉnh khác trà trộn nên việc xây dựng thương hiệu khó khăn. Hay như sản phẩm mật ong với khoảng 60.000 đàn, đã xây dựng được thương hiệu nhưng các HTX, DN vẫn phải “lò dò” đi các quầy hàng của Hà Nội để chào bán.
Đẩy mạnh liên kết
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có 6 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và 521 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP. Với tiềm năng lớn về sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội mới đây, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La cũng như các HTX, DN, cơ sở sản xuất của địa phương đều mong muốn được hợp tác đưa sản phẩm về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô. Trên thực tế, thực hiện chương trình hợp tác giữa hai địa phương, thời gian qua, một số DN của Hà Nội như Công ty CP Nhất Nam với hệ thống siêu thị Fivimart, Công ty Thực phẩm sạch Biggreen, Công ty TNHH VinaGap (chuỗi cửa hàng Bác Tôm)… cũng đã liên kết đưa rau, quả, thực phẩm từ Sơn La về tiêu thụ. Mặc dù vậy, trong quá trình hợp tác vẫn còn những hạn chế và thiếu bền vững.
Ông Đào Ngọc Nam – Giám đốc Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt chia sẻ, vừa qua công ty có cử nhân viên lên Sơn La tìm hiểu một số sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên khó khăn là quy mô sản xuất chưa tập trung, dẫn tới chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và thiếu ổn định về sản lượng. Hay như đại diện Công ty Thực phẩm sạch BigGreen, một trong những DN đầu tiên đưa rau hữu cơ đặc sản của Sơn La về Thủ đô cũng trăn trở: “Công ty đã hợp đồng cung cứng rau Mộc Châu cho 5 trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội nhưng có tuần đau đầu vì bên sản xuất không cấp đủ số lượng”.
Trước những vấn đề đang tồn tại, phía các DN Hà Nội đề nghị Sở NN&PTNT Sơn La tổ chức các vùng sản xuất tập trung, đồng thời tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng để sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, đến nay, TP đã xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Do đó, Hà Nội sẵn sàng hợp tác với các địa phương nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là sản xuất, cung ứng nông sản an toàn.
Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội thăm vùng rau an toàn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Thắng
|