Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầm Nguyên Khê bị bức tử

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 năm đi vào hoạt động, nhưng Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Toàn bộ nguồn nước thải sau sản xuất của trên 20 DN đổ trực tiếp xuống đầm Nguyên Khê, khiến công trình thủy lợi quan trọng này rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Đời sống, sản xuất bị ảnh hưởng
Cuối tháng 4/2017, gia đình ông Nguyễn Văn Phú, thôn Đồng (xã Nguyên Khê) ngỡ ngàng xen lẫn bức xúc khi hàng loạt cá được nuôi trong diện tích đầm mà gia đình thuê khoán bỗng dưng chết la liệt. Nguyên nhân theo ông Phú là bởi nguồn nước tại đầm Nguyên Khê bị ô nhiễm. 
Ghi nhận thực tế cho thấy, nguồn nước tại khu vực đầm nằm tiếp giáp Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước có màu đen kịt và bốc mùi hôi tanh. Chỉ đứng gần khu vực nguồn nước bị ô nhiễm chừng 5 - 10 phút, nhiều người cảm thấy đau đầu, chóng mặt. Bà Nguyễn Thị Hằng (thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê) - chủ hộ thuê thầu trên 10ha cuối đầm Nguyên Khê bày tỏ: Do hệ thống đầm liên kết với nhau nên sẽ chẳng mấy chốc mà diện tích mặt nước gia đình bà thuê thầu cũng sẽ bị ô nhiễm. 

Nước đầm Nguyên Khê bị ô nhiễm, bốc mùi hôi tanh (ảnh lớn). Trạm xử lý nước thải tập trung của Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê đang trong quá trình hoàn thiện (ảnh nhỏ).  Ảnh: Trọng Tùng

Đáng ngại hơn, nguồn nước ô nhiễm đầm Nguyên Khê có nguy cơ đe dọa đến chất lượng của cây trồng trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Liên (thôn Đồng, xã Nguyên Khê) canh tác 6 sào rau xanh cho biết, hàng chục năm qua, gia đình bà vẫn sử dụng nguồn nước từ đầm Nguyên Khê để tưới rau. Dù biết chất lượng nguồn nước đang suy giảm, nhưng vì mưu sinh nên gia đình bà vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm này để tưới rau. Không chỉ hộ bà Liên, khoảng 600 hộ sản xuất nông nghiệp ở đây (chủ yếu thuộc thôn Đồng và thôn Sơn Du) ngày ngày phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ đầm Nguyên Khê. Chất lượng của diện tích lúa, rau màu thuộc địa phương này do đó bị đặt dấu hỏi lớn.
Ông Nguyễn Văn Tập (thôn Đồng, xã Nguyên Khê) - người đã sống bên cạnh đầm Nguyên Khê hơn nửa thế kỷ qua chia sẻ: Trước đây khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm, cứ vào những buổi chiều tối, bà con lối xóm thường tụ tập rất đông ở khoảng sân trước nhà văn hóa thôn để vui chơi, hóng mát. Tuy nhiên, từ khi nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm, người dân đã không còn lui tới nữa. Cũng theo chia sẻ của nhiều người dân địa phương, vào những năm 1980, bà con trên địa bàn xã còn thường xuyên sử dụng nguồn nước trong đầm Nguyên Khê để tắm giặt, thậm chí là ăn uống. Tuy nhiên, từ khi cụm công nghiệp hình thành, một loạt nhà máy, xí nghiệp mọc lên, nguồn nước trong đầm đã không còn đủ an toàn để có thể sử dụng cho mục đích trên.
Địa phương chưa tròn trách nhiệm
Liên quan tới trách nhiệm của địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê cho rằng, việc xả thải của các nhà máy, xí nghiệp trong nhiều năm qua xuống khu đầm là nguyên nhân chính dẫn tới nguồn nước bị ô nhiễm. Bởi khả năng tự làm sạch của khu đầm là có giới hạn sau quá trình dài tích tụ. Ông Hồng cũng cho biết, địa phương vẫn phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xả thải của các DN. Do đó, tình trạng đầm Nguyên Khê bị ô nhiễm khiến cá chết là… khá bất ngờ!
Hiện nay, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê đã có khoảng 20 DN đăng ký vào sản xuất, kinh doanh. Dù đã đi vào hoạt động hàng chục năm qua, nhưng mãi tới tháng 10/2016, trạm xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ cụm công nghiệp này mới được xây dựng. Hiện, công tác đấu nối từ trạm xử lý nước thải tập trung với hệ thống xả thải của các DN thuộc cụm công nghiệp vẫn đang trong quá trình triển khai. Việc cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động trong một khoảng thời gian dài, nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung đặt ra câu hỏi trước hết đối với trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương.
Theo ông Lê Ngọc Dụng - Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Đông Anh, hàng năm, với chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị vẫn tổ chức thanh, kiểm tra việc xả thải của các DN. Kết quả điều tra mới nhất cũng cho thấy, 100% DN đang hoạt động trong cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải sau sản xuất cơ bản đạt tiêu chuẩn. Dù vậy, ông Dụng thừa nhận, nhiều năm qua, do không có trạm xử lý tập trung nên nước thải được dẫn đổ trực tiếp ra đầm Nguyên Khê.    
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Trong khi trách nhiệm của đơn vị quản lý địa phương bị đặt dấu hỏi lớn, thì vai trò của đơn vị trực tiếp được giao quản lý đầu tư Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê cũng không thể không nhắc tới.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, giai đoạn đầu khi mới đi vào hoạt động, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê thuộc quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó cụm công nghiệp được giao lại cho Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh. Từ khi tiếp nhận, đơn vị vẫn bảo đảm vấn đề xả thải của khoảng 10 DN thuộc giai đoạn 1 của dự án phát triển. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao chưa xây dựng trạm xử lý? Ông Minh cho biết, theo quy hoạch, khi giai đoạn 2 của cụm công nghiệp được triển khai, hạng mục trạm xử lý nước thải tập trung sẽ được xây dựng. Khi đó, các DN thuộc giai đoạn 1 sẽ đấu nối vào hệ thống xử lý chung (?!). Trong diễn biến liên quan, từ khoảng năm 2012, liên danh nhà thầu Công ty CP Đông Thành và Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Nam được giao quản lý, phát triển giai đoạn 2 của cụm công nghiệp. Và như đã nêu ở trên, sau gần 5 năm tiếp theo, công trình trạm xử lý nước thải tập trung của toàn bộ Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê mới được xây dựng, và hiện vẫn đang rục rịch đấu nối với hệ thống xả thải của các DN.
Như vậy có thể thấy, các đơn vị liên quan bước đầu đã có những động thái tương đối tích cực, nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm đầm Nguyên Khê. Dù vậy, với nhiều người, những nỗ lực đó không khác một giải pháp mang tính tình thế, như cách ví von đầy sâu cay của người xưa: Mất bò mới lo làm chuồng. Để rồi sau tất cả và hơn ai hết,  thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về  người dân. 
Đi vào hoạt động từ những năm 2006, nhưng 10 năm sau, tức tháng 10/2016, trạm xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê mới được xây dựng.

Liên quan tới vấn đề ô nhiễm đầm Nguyên Khê, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp. Theo đó, đã yêu cầu toàn bộ DN đang hoạt động tại Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê phải hoàn thành đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung xong trong tháng 6/2017, nhằm bảo đảm không làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm của khu đầm.
Ông Nguyễn Mạnh Quân
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh