Đàm phán giai đoạn 2 Brexit: Chặng đường đầy gian nan

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận lịch sử, liên quan tới các điều khoản cụ thể về việc nước này rời EU - hay còn gọi là Brexit cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đàm phán ở giai đoạn hai đầy gian nan.

Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. 

Theo thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Brussel, Bỉ vừa qua, London nhất trí một số điều khoản trong thỏa thuận, bao gồm duy trì mở cửa biên giới với Ireland, trả 40 - 45 tỷ Euro cho các nghĩa vụ tài chính và bảo đảm quyền lợi của khoảng 3 triệu người châu Âu sống tại Anh. Thủ tướng Anh cho biết, phần quan trọng của thỏa thuận này là bảo đảm việc sẽ không có những chốt biên phòng được dựng lên ở biên giới giữa lãnh thổ Bắc Ireland và lãnh thổ của Cộng hòa Ireland, nước thành viên EU sau ngày 29/3/2019, thời hạn Anh ra khỏi EU. Trong khi đó, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nói thỏa thuận này mở đường cho những cuộc đàm phán tiếp theo về quan hệ Anh - EU trong tương lai. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại lưu ý, dù đã đạt được một số thỏa thuận song thách thức gian nan nhất vẫn đang đợi các bên ở phía trước. Trong trường hợp Anh chấp nhận tất cả các điều kiện tại cuộc họp thượng đỉnh lãnh đạo EU từ 14 - 15/12, cuộc đàm phán này sẽ diễn ra một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, điều đó không dễ thực hiện, khi mà Pháp và Đức không muốn nhượng bộ Anh “quá nhiều và quá sớm”. Theo đó, giai đoạn 2 về đàm phán Brexit, nội dung chú trọng các vấn đề thương mại và quá trình chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, ngay trước thềm cuộc đàm phán giai đoạn 2, Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis cho biết, London sẽ không thực hiện các cam kết tài chính đã thỏa thuận cuối tuần qua với EU nếu khối này không đảm bảo một thỏa thuận thương mại... Tuyên bố trên của ông Davis đi ngược lại với một phát biểu trước đó của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond về việc này. Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Davis đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Ireland. Đây đã trở thành những bước đi đầu tiên có khả năng sẽ khiến nước Anh rơi vào tình thế khó khăn trong cuộc đàm phán ở giai đoạn 2 với EU.

Một trong những ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ Anh mong muốn đạt được trong hội nghị thượng đỉnh tuần này là khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận chuyển tiếp càng sớm càng tốt, nhằm tránh những ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế Anh. Tuy nhiên, có lẽ chỉ các nhà lãnh đạo EU mới có thể đưa ra quyết định chính thức cho giai đoạn đàm phán Brexit tiếp theo về mối quan hệ thương mại trong tương lai và những điều khoản cho thỏa thuận chuyển tiếp. Liệu EU có muốn sớm tiến tới một thỏa thuận chuyển tiếp hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Anh và EU đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán ở giai đoạn 2, nhiều DN lớn của Anh lại đưa ra cảnh báo rằng, nền kinh tế nước này vẫn sẽ tiếp tục có những bước tiến chậm. Bởi, dù có đạt được một số thỏa thuận vào cuối tuần qua, song sự không chắc chắn trong vấn đề đàm phán thương mại của Brexit chỉ khiến những kế hoạch đầu tư của DN nước này tiếp tục rơi vào tình trạng ngưng trệ.