Tính đến hôm nay (3/10), dòng người đi xe máy đổ về các tỉnh miền Tây đã lên con số gần cả trăm nghìn người. Con số này chưa hẳn sẽ dừng lại trong những ngày tới. Người dân miền Tây sau hơn 3 tháng cầm cự "ở yên" chống dịch ở các địa phương trên đã không thể trụ lại được. Sau khi TP Hồ Chí Minh tháo dỡ những rào chắn ở trên đường, người dân tìm đủ mọi cách để dắt díu nhau về quê dù hành trình không hề dễ dàng.
Người dân miền Tây tự phát về quê ùn tắc ở trạm thu phí BOT T2, cửa ngõ vào An Giang. Ảnh: Nguyễn Huy |
Chỉ trong 2 ngày qua, Cà Mau đã đón hơn 6.000 người dân về quê tự phát bằng xe máy. Trong đó, trong 1.000 người đầu tiên đã xét nghiệm có 25 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Cà Mau dự báo, những ngày tới, số người dân về quê tự phát sẽ còn tăng nữa. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn lên công tác phòng chống dịch của địa phương này.
Tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định áp dụng giãn cách xã hội trên toàn tỉnh theo Chỉ thị 19 bắt đầu từ ngày 4/10. Nhưng với tình hình trên, tỉnh đã có văn bản hỏa tốc vào trưa nay (3/10) để tạm ngưng thực hiện quyết định trên và tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch như cũ cho đến khi có thông báo mới.
Nhiều địa phương khác cũng đang căng thẳng trong công tác tiếp nhận người dân về quê tự phát. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh không còn đủ năng lực cách ly nên sẽ tạm ngưng tiếp nhận người dân trở về trong 15 ngày kể từ hôm nay (3/10). “Rất mong bà con đồng lòng, cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh nhà để vượt qua đại dịch. Sau 15 ngày, ngay khi có thể, tỉnh sẽ có thông báo kế hoạch tiếp nhận tiếp theo” – ông Lâu nói.
Chỉ tính từ hôm qua (2/10) đến nay Sóc Trăng đã tiếp nhận gần 20.000 người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ tự phát về quê. Tổng cộng số người đã được tiếp nhận trên địa bàn tỉnh lên đến gần 30.000 người chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này dẫn đến vượt khả năng tiếp nhận cách ly, chăm sóc y tế… dù địa phương đã cố gắng để sắp xếp.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, để kiểm soát tốt dòng người tự phát trở về quê, tỉnh đã liên hệ với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất việc tạm ngưng tiếp nhận người dân trong vòng 15 ngày. Đối với gần 30.000 người đã tiếp nhận, tỉnh Sóc Trăng hiện đã phân bổ về các huyện. Đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, người đã điều trị khỏi Covid-19 sẽ được theo dõi y tế tại nhà.
Tại Kiên Giang, dòng người tự đi xe máy từ những tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp lớn ở khu vực Đông Nam Bộ về quê tiếp tục tăng đột biến. Là địa phương cửa ngõ có tuyến quốc lộ 80 đi qua và tiếp giáp với TP Cần Thơ, 2 ngày qua huyện Tân Hiệp của tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận gần 4.000 đi xe máy về quê, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em. Tính tổng những ngày qua, Kiên Giang đã đón gần 7.000 người về quê tự phát.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sức khỏe của người dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo huyện Tân Hiệp tăng cường lực lượng, trong đó giao cho Công an huyện phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương tiếp nhận, phân loại người dân theo từng địa bàn, bố trí nơi nghỉ ngơi tạm thời, phát thức ăn, nước uống và tiến hành tiến hành test nhanh Covid.
Theo dự đoán trong vài ngày tới, người dân về quê ở tỉnh Kiên Giang tiếp tục tăng, vì vậy chính quyền tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường lực lượng để kịp thời tiếp nhận bà con về quê an toàn, đồng thời khẩn trương kích hoạt thêm các khu cách ly để tiếp nhận bà con về cách ly tập trung đúng quy định, tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Còn tại Đồng Tháp, trong trong 3 ngày qua tỉnh đã tiếp nhận trên 20.000 người về quê tránh dịch. Tỉnh An Giang tiếp nhận khoảng 16.000 trường hợp, trong đó đã có 14 F0. Tỉnh Trà Vinh tiếp nhận khoảng 5.000 người, trong đó đã có 3 F0. Tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận khoảng 2.000 người…