Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân Mỹ thắt chặt chi tiêu khiến giá hàng hóa giảm mạnh

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thương hiệu lớn tại Mỹ.

Từ việc liên tục tăng giá sản phẩm, dịch vụ trong nhiều năm, các công ty tại Mỹ đã dần chuyển sang các chính sách giảm giá, đưa ra nhiều ưu đãi nhằm lôi kéo khách hàng. Điều này xảy ra trong bối cảnh hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, đang có xu hướng chi tiêu tiết kiệm.

Theo dữ liệu của NielsenIQ, 28,6% sản phẩm được bán theo các chương trình khuyến mãi trên thị trường Mỹ, kể từ 6/2023 đến 6/2024 – tăng từ mức 25,1% của ba năm trước. Tình trạng này cũng xảy ra ở châu Âu – thị trường quan trọng đối với nhiều nhóm người tiêu dùng Mỹ.

Mondelez, nhà sản xuất chocolate Toblerone, sẽ có một năm khó khăn tại thị trường Mỹ. Ảnh: The Financial Times
Mondelez, nhà sản xuất chocolate Toblerone, sẽ có một năm khó khăn tại thị trường Mỹ. Ảnh: The Financial Times

Ông lớn trong ngành thực phẩm General Mills, nổi tiếng với Cheerios cũng như nhiều loại ngũ cốc, đang phân bổ thêm 20% ngân sách công ty cho các chương trình giảm giá trong năm tài chính 2024.

Mondelez, nhà sản xuất bánh quy giòn Ritz và chocolate Toblerone, cũng đang đối diện với nhiều thử thách tại thị trường Mỹ khi người tiêu dùng đang có nhu cầu thắt chặt chi tiêu, Luca Zaramella, giám đốc tài chính của công ty này cho biết vào tháng trước.

Ông cho biết sự cạnh tranh giữa các thương hiệu bánh kẹo đã ảnh hưởng đến sản phẩm bánh quy Chips Ahoy của họ, buộc Mondelez phải giảm giá bán sản phẩm này xuống dưới 4 USD.

Cổ phiếu ngành tiêu dùng đã giúp đẩy các chỉ số vốn cổ phần của Mỹ lên mức kỷ lục mới trong năm nay, với phân khúc nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng không thiết yếu của S&P 500 đều tăng hơn 8%.

Steve Sosnick, nhà kinh tế trưởng tại công ty Interactive Brokers, nhấn mạnh chi tiêu từ người tiêu dùng đã đóng góp hơn 2/3 vào tăng trưởng nền kinh tế Mỹ.

 “Nếu người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy quan tâm hơn đến giá cả, chúng ta cần phải xem xét điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cổ phiếu ngành tiêu dùng, các loại cổ phiếu khác cũng như toàn bộ nền kinh tế” – ông cho biết.

Việc người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của một số nhà bán lẻ.

Tuần trước, chuỗi cửa hàng bán thuốc Walgreens Boots Alliance đã cảnh báo về việc người tiêu dùng ngày càng kén chọn hơn. Công ty này đã đưa ra nhiều chính sách về giá, đồng thời tăng cường khuyến mãi nhằm thúc đẩy lượng khách hàng. Cổ phiếu của Walgreens đã giảm 57% trong năm nay.

Tại Nike, Giám đốc tài chính Matthew Friend nhấn mạnh công ty đang phải đối diện với áp lực suy giảm nguồn khách hàng ngày càng tăng, khi doanh thu ở thị trường Bắc Mỹ của ông lớn ngành dày dép này đã sụt giảm đáng kể. Công ty có kế hoạch giới thiệu thêm nhiều mẫu sản phẩm có giá dưới 100 USD.

Carman Allison, Phó chủ tịch của công ty phân tích dữ liệu NielsenIQ, cho biết số lượng mặt hàng được khuyến mại tại các cửa hàng ở Mỹ đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Người tiêu dùng đang lựa chọn các sản phẩm có giá cả phải chăng. Do vậy, các công ty có thể sẽ đánh mất khách hàng nếu liên tục tăng giá” – ông cho biết.  

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng thực hiện việc giảm giá. Giám đốc điều hành của Foot Locker, Mary Dillon gần đây cho biết khách hàng của họ chấp nhận trả nguyên giá.  Trong khi đó, dù đối mặt với khó khăn từ sụt giảm doanh thu, Nike vẫn không muốn phải giảm giá.

Giám đốc tài chính Andre Schulten của Procter & Gamble, gã khổng lồ hàng tiêu dùng đứng sau các thương hiệu gia dụng như băng vệ sinh Tampax và tã lót Pampers, cho biết người tiêu dùng sẽ không chuyển sang mua các sản phẩm thay thế không đảm bảo về thương hiệu.

“Họ không muốn các sản phẩm bảo vệ phụ nữ, tã dành cho trẻ em kém chất lượng. Dù giá cả tăng cao, họ vẫn cần những sản phẩm an toàn cho sức khỏe,” ông Schulten cho biết vào tháng trước.