Đan Phượng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến nay, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, trong đó 15/15 đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 100%.

Không có tiêu chí bị điểm 0

Cuối tháng 5 vừa qua, 3 xã cuối cùng của huyện Đan Phượng là Liên Hồng,
Hạ Mỗ, Thọ An tổ chức đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Với kết quả này, Đan Phượng là huyện đầu tiên của TP Hà Nội có 100% số xã (15/15 xã) hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhiều tuyến đường xanh, sạch, đẹp tại cụm 4, Hồng Hà. Ảnh: Nguyễn Bền
Nhiều tuyến đường xanh, sạch, đẹp tại cụm 4, Hồng Hà. Ảnh: Nguyễn Bền

Theo đánh giá của Đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã trên ghi nhận rất tích cực, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Văn Bắc cho biết, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp (chiếm 45,33%), thương mại, dịch vụ (chiếm 46,52%), giảm tỷ trọng nông nghiệp (còn 8,15%). Xã thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 150ha từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như: rau, bưởi, táo, chuối, cây đào, hoa lan hồ điệp... Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng, năm 2023 đạt 76 triệu đồng/người, xã không còn hộ nghèo.

Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Thọ An được đầu tư đồng bộ; mở rộng, trải nhựa 1,4km đường giao thông trục xã, liên xã; đầu tư xây dựng mới Trường THCS Thọ An, 100% nhà văn hóa thôn được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời, có lắp đặt wifi miễn phí, cải tạo 5 ao môi trường… Tổng huy động vốn xây dựng nông thôn mới của xã đạt trên 370,6 tỷ đồng. “Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là kết quả lãnh đạo tập trung quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đồng thời khơi dậy được sức mạnh to lớn trong Nhân dân tạo thành sức mạnh ý chí, tinh thần chung sức đồng lòng giữa ý Đảng, lòng dân” - Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Văn Bắc chia sẻ.

Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, đến nay, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; không có nợ đọng xây dựng cơ bản; không có tiêu chí bị điểm 0. Toàn huyện có 100 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 78 triệu đồng/người/năm...

Người dân hài lòng

Với phương châm đích đến cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là người dân được thụ hưởng tối đa thành quả, công tác xây dựng nông thôn mới luôn được huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 15/12/2009 về xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa huyện Đan Phượng đến năm 2020.

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng.
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng.

Huyện xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là quy hoạch phải đi trước một bước, xây dựng hạ tầng là động lực, tiền đề cho sự phát triển, kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm là điều kiện quyết định để nâng cao đời sống nông dân và là tiêu chí để Nhân dân cảm nhận rõ nét về xây dựng nông thôn mới.

Đến giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Đan Phượng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/HU ngày 28/7/2016 về lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đó là hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, an sinh xã hội được bảo đảm.

Giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy Đan Phượng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 22/12/2020 về xây dựng huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là xây dựng huyện Đan Phượng phát triển đồng bộ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… theo các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; các tiêu chí phường và quận.

Đặc biệt, đặt người dân là trung tâm, được thụ hưởng thành quả trong xây dựng nông thôn mới, từ ngày 13 – 23/7/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng đã hướng dẫn thực hiện lấy phiếu hài lòng của Nhân dân trên địa bàn toàn huyện. Từ ngày 26/7 - 5/8/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tuyên truyền và niêm yết công khai kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện; trụ sở UBND các xã; nhà văn hóa các thôn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh cho biết, kết quả lấy ý kiến tại 123 thôn của 15/15 xã với 33.375/44.499 (75%) tổng số hộ gia đình trên địa bàn huyện khá tích cực. Cụ thể, từ câu 1 đến câu 9, tỷ lệ hài lòng đạt từ 99,01% trở lên; câu 10 tỷ lệ hài lòng đạt 99,58%. Số ý kiến chưa hài lòng chỉ chiếm tỷ lệ từ 0,25 - 0,99%.

“Qua lấy ý kiến, đại đa số Nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành hiệu quả của chính quyền từ huyện tới cơ sở và phấn khởi trước sự đổi mới toàn diện về giao thông đường làng, ngõ, xóm, giao thông nội đồng, trường, trạm, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng… Đặc biệt là sự đổi mới về phát triển kinh tế, đời sống tinh thần, mức sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh” – bà Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ.

Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí

Hiện nay, huyện Đan Phượng đã hoàn thiện lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt nông thôn mới nâng cao năm 2023 trình cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận, còn một số hạn chế nhất định trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Đó là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô nhỏ, chưa nhân rộng được nhiều trên địa bàn; vẫn còn phát sinh các vi phạm trong các lĩnh vực môi trường, đất đai, trật tự xây dựng. Một số xã vẫn còn chưa có nước sạch tập trung…

Những tuyến đường được đặt tên, vẽ tranh bích họa tại Đan Phượng .
Những tuyến đường được đặt tên, vẽ tranh bích họa tại Đan Phượng .

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và các tiêu chí quận.

Thời gian tới, huyện tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế đô thị, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Theo đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Cùng với đó, hoàn thành và đưa vào sử dụng các Cụm công nghiệp Song Phượng, Hồng Hà, mở rộng Cụm công nghiệp Đan Phượng…

Tại buổi thẩm tra kết quả xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao tại huyện Đan Phượng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí đề nghị, huyện Đan Phượng cũng cần đẩy nhanh thực hiện mạng lưới cấp nước sạch cho các xã. Đồng thời quan tâm chỉnh trang diện mạo nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp hơn...

 

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn huy động giai đoạn từ 2010 đến hết năm 2023 của huyện Đan Phượng là 7.294.525 triệu đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách 900.009 triệu đồng, chiếm 12,3%; vốn DN, hợp tác xã là 426.431 triệu đồng, chiếm 5,8%; vốn đóng góp từ Nhân dân 326.146 triệu đồng, chiếm 4,3%...