Đan Phượng kích hoạt phương án ứng phó với lũ báo động 2 trên sông Hồng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước tình hình nước lũ trên sông Hồng dâng cao, vượt qua báo động 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng đã yêu cầu 7 xã ven sông: Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Hồng Hà, Liên Hà, Liên Hồng, Liên Trung triển khai phương án ứng phó.

Sáng 11/9, mực nước sông Hồng tại trạm bơm Đan Hoài trên địa bàn huyện Đan Phượng là +12,0m, vượt mức báo động 2. Trước đó, thời điểm tối 10/9, mực nước sông Hồng tại cống Bá Giang là 11,6 m (mức báo động 2, là 11,8m). Mức báo động lấy theo cột nước tại Đan Hoài. Báo động 1 mức nước 10,8m; báo động 2 mức nước 11,8m; báo động 3 mức nước 12,8m.

Chiến sĩ bộ đội hỗ trợ người dân di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn.  
Chiến sĩ bộ đội hỗ trợ người dân di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn.  

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, tính đến sáng 11/9, huyện Đan Phượng đã tổ chức di dời 66 hộ với 261 nhân khẩu tới nơi an toàn; di chuyển gần 2.000 con lợn, hơn 8.700 con gia cầm, 41 con trâu bò theo phương án được duyệt. Trong đó đã di dời 57 hộ với 216 nhân khẩu tới nơi an toàn theo phương án báo động lũ số 2.

Trước tình hình mực nước sông Hồng dâng cao, tối 10/9, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã ven sông Hồng thực hiện ngay việc di chuyển người dân và tài sản theo đúng phương án đã được phê duyệt.

Theo đó, tình huống báo động lũ số 2 tại xã Trung Châu, thực hiện di chuyển toàn bộ 583 hộ dân (3.160 nhân khẩu) thôn 3, 4, 5 và tài sản người dân vào nhà người thân tại thôn 1, 2, 4, 5 trong đê. Đồng thời tổ chức trực ban, chuẩn bị vật tư, lực lượng, sẵn sàng theo các phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt.

Người dân di dời tài sản tránh lũ sông Hồng dâng cao.
Người dân di dời tài sản tránh lũ sông Hồng dâng cao.

Tại xã Thọ An, trong tình huống báo động lũ số 2, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân không cho dân sản xuất ngoài bãi sông, chuẩn bị di dời các hộ dân và tài sản cụm 12 vào vùng đồng khi có báo động lũ số 3. Di chuyển 80 hộ đến nhà người thân với 500 nhân khẩu; 32 hộ với 75 nhân khẩu đến nhà văn hóa cụm 2; chuyển 300 con lợn của 7 hộ dân.

Triển khai tình huống báo động lũ số 2, xã Liên Trung di chuyển Nhân dân khu xóm Soi thôn Hạ với 11 hộ (31 nhân khẩu) vào nhà văn hóa thôn Hạ, nhà điều hành khu làng nghề thôn Hạ. Đồng thời tổ chức trực ban, chuẩn bị vật tư, lực lượng, sẵn sàng theo các phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt.

Cán bộ công an huyện Đan Phượng hỗ trợ người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Cán bộ công an huyện Đan Phượng hỗ trợ người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Tình huống báo động lũ số 2 xã Liên Hà, di chuyển toàn bộ tài sản trong lán xưởng vào nơi ở trong làng tại nhà của họ. Tổ chức trực ban, chuẩn bị vật tư, lực lượng, sẵn sàng theo các phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt.

Tại xã Liên Hồng, trong tình huống báo động lũ số 2, thực hiện di chuyển toàn bộ toàn bộ 66 hộ vào nhà văn hóa thôn Đông Lai 20 hộ, còn 42 di chuyển vào nhà người thân. Cùng với đó, tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực cho các hộ dân đã di chuyển vào nhà văn hóa thôn Đông Lai. Tổ chức trực ban, chuẩn bị vật tư, lực lượng, sẵn sàng theo các phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt.

Với xã Thọ Xuân, trong tình huống báo động lũ số 2, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân không cho dân sản xuất toàn bộ ngoài bãi sông ngập. Di chuyển 140 con bò của hộ Hoàng Văn Xiêm, cụm 8, xã Thọ Xuân vào vùng đồng.

Những bữa ăn vội của lực lượng chức năng khi hỗ trợ người dân tránh lũ.
Những bữa ăn vội của lực lượng chức năng khi hỗ trợ người dân tránh lũ.

Tình huống báo động lũ số 2 tại xã Hồng Hà, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân không cho dân sản xuất toàn bộ ngoài bãi sông ngập. Di chuyển toàn bộ toàn bộ 891 hộ (4.100 nhân khẩu) và tài sản của các hộ vào nhà văn hóa cụm dân. Trong đó, di dời 353 hộ vào nhà người thân, 518 hộ vào nhà văn hóa các cụm dân cư, các trường học trên địa bàn xã.

Cùng với đó, tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực cho các hộ dân đã di chuyển vào nhà văn hóa các cụm dân cư. Tổ chức trực ban, chuẩn bị vật tư, lực lượng, sẵn sàng theo các phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt.

Huyện Đan Phượng cũng thành lập Sở Chỉ huy phòng chống lũ trên sông Hồng, sông Đáy tại xã Trung Châu để chỉ huy trực tiếp công tác phòng, chống ứng phó lũ lớn trên tuyến các sông.

Người dân Đan Phượng chung tay chống lũ.
Người dân Đan Phượng chung tay chống lũ.

Huyện cũng giao Phòng Kinh tế huyện phối hợp các ngành, UBND các xã, thị trấn xây dựng và triển khai phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp do thiên tai. Đồng thời phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn các xã, thị trấn dự phòng đủ lượng giống lúa, rau, màu, vật nuôi để chủ động phòng chống ngập; tổ chức tốt công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả không để dịch bệnh phát sinh lây lan.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thủy lợi, hệ thống đê điều; đề xuất UBND huyện các biện pháp phòng chống kịp thời; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý kịp thời sự cố đầu giờ về công trình đảm bảo hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai, ngập úng.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đan Phượng giúp người dân thu hoạch nông sản, di chuyển đến nơi an toàn.
Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đan Phượng giúp người dân thu hoạch nông sản, di chuyển đến nơi an toàn.

Trong ngày 10/9, lực lượng Công an huyện Đan Phượng do Thượng tá Đỗ Danh Sơn - Phó Trưởng Công an huyện trực tiếp chỉ đạo cùng Công an các xã phối hợp các đoàn thể, chính quyền địa phương, dân quân thường trực và dân quân các xã, thị trấn di chuyển tài sản của Nhân dân sinh sống ở ngoài đê sông Hồng đến nơi an toàn trong tình hình nước lũ tiếp tục dâng cao, tích cực, khẩn trương hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu và nông sản, sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.