Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đan Phượng: Nhân rộng mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình làm phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học và tặng thùng đựng rác thải hữu cơ với khẩu hiệu “Vì môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp” giúp nâng cao ý thức cho người nông dân về bảo vệ môi trường.

Ngày 21/7, Hội Nông dân huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị ra mắt mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình làm phân hữu cơ bằng chế phẩm Padco tại xã Thọ An và tặng thùng đựng rác thải hữu cơ cho hội viên nông dân.

Tặng thùng đựng rác thải hữu cơ cho hội viên nông dân xã Thọ An, huyện Đan Phượng.
Tặng thùng đựng rác thải hữu cơ cho hội viên nông dân xã Thọ An, huyện Đan Phượng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, trước đó, trong năm 2022, Hội Nông dân huyện đã triển khai thí điểm mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình làm phân hữu cơ bằng chế phẩm SUMITR tại xã Đồng Tháp và Thọ Xuân.

Trong đó mỗi xã có 50 hộ hội viên nông dân đăng ký tham gia, hầu hết các hộ đều đăng ký xử lý rác thải hữu cơ tại nhà với quy mô mỗi hộ thực hiện là 500m; tập trung chủ yếu vào xử lý rác sinh hoạt, rác thải hữu cơ dư thừa sau khi sử dụng và canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, các hộ cũng đăng ký thực hiện việc xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, trang trại cây ăn quả, ngoài đồng ruộng thành phân bón hữu cơ.

Kết quả thí điểm thu được rất tích cực, giúp làm giảm đáng kể mùi hôi, thối, hạn chế sự ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi. Rác thải được xử lý tận dụng thành nguồn phân bón hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, thân thiện với môi trường.

Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.

Đáng chú ý, sau khi thực hiện việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, nhìn chung các hộ tham gia mô hình đều nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng thấy được lợi ích của việc xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học trong việc xử lý rác.

Theo kết quả điều tra trước khi triển khai mô hình, thành phần rác hữu cơ chiếm 70 - 80% lượng rác thải của các hộ đưa ra môi trường hàng ngày. Do vậy, việc phân loại rác thải hữu cơ và sử dụng chế phẩm SUMITR đã góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí trong việc vận chuyển và xử lý rác của Nhà nước.

Kết quả thực hiện việc thu gom, xử lý các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng cũng đạt được khá tích cực. Việc đốt rơm rạ, các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên các cánh đồng sau mỗi vụ thu hoạch như hiện nay đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn TP Hà Nội nói chung, huyện Đan Phượng nói riêng.

Do đó, thực hiện việc thu gom và xử lý các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành phân bón hữu cơ ngay trên đồng ruộng đã góp phần tích cực trong việc hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Kết quả các hộ tham gia mô hình đã thực hiện ngay trong khu vực trang trại chăn nuôi, trồng trọt và trên ruộng sau khi thu hoạch, việc xử lý được trên rơm rạ, rau màu, cỏ dại, tương đương với 1ha diện tích trồng trọt, chăn nuôi sau khi xử lý đã thu được từ 2,5 - 3 tấn phân hữu cơ hoai mục.

Lượng phân bón này đã được các hộ sử dụng để bón cho cây trồng giúp cho đất tơi xốp, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất và giảm được từ 30 - 40% lượng phân vô cơ bón cho cây trồng so với khi không có phân hữu cơ đồng thời làm giảm chi phi cho người nông dân.

Tặng thùng đựng rác thải hữu cơ cho hội viên nông dân xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
Tặng thùng đựng rác thải hữu cơ cho hội viên nông dân xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.

“Chính vì vậy, Hội Nông dân huyện nhân rộng mô hình để giúp cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức và chủ động trong việc thu gom, phân loại, xử lý các loại rác thải ngay tại hộ gia đình, giảm lượng rác thải ra môi trường” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết.

Để duy trì tốt mô hình, Hội Nông dân huyện Đan Phượng sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn cho các thành viên tham gia nâng cao kiến thức chuyên môn quản lý môi trường. Đồng thời mỗi thành viên tổ tự quản phải là tấm gương trong bảo vệ môi trường tại địa bàn mình để lan tỏa tới nhiều hộ dân khác.