Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau chiến dịch điều tra loạt "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ 1 ngày sau khi công bố các biện pháp hạn chế đối với ứng dụng đặt xe Didi, giới chức Trung Quốc hôm 5/7 thông báo xem xét vấn đề rủi ro an ninh quốc gia của 2 công ty công nghệ khác cũng đã niêm yết tại Mỹ gần đây.

Didi Global, giống như nhiều ''ông lớn'' công nghệ Trung Quốc khác, được cho đang phát triển nhanh chóng mà không có sự giám sát toàn diện. Ảnh: Getty Images
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết họ đang thực hiện đánh giá Huochebang và Yunmanman, lần lượt thuộc sở hữu của Full Truck Alliance và Kanzhun. Tháng 6 vừa qua, Kanzhun huy động được 912 triệu USD, đã được niêm yết tại Mỹ. Full Truck Alliance, thường được gọi là “Uber dành cho xe tải” của Trung Quốc, cũng được niêm yết tại Mỹ vào tháng trước sau khi thu về 1,6 tỷ USD. CAC cho biết, các cuộc điều tra là nhằm “ngăn ngừa rủi ro với an ninh dữ liệu quốc gia, duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích cộng đồng”.

Động thái này được cho đã nhân rộng một chiến dịch thắt chặt lĩnh vực công nghệ khai thác dữ liệu người dùng của CAC, khi cơ quan này hôm 4/7 ra lệnh cho ứng dụng đặt xe công nghệ Didi phải xóa sản phẩm của mình khỏi các cửa hàng ứng dụng, cáo buộc công ty vi phạm nghiêm trọng luật thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Tất cả diễn ra chỉ 5 ngày sau đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) của công ty tại sàn giao dịch chứng khoán New York.

Didi kiểm soát gần như toàn bộ thị trường đặt xe công nghệ ở Trung Quốc, với các cổ đông lớn nhất là SoftBank và Tencent. Didi đã thực sự có lãi ngay trong quý đầu tiên - một điều được cho là hiếm có trong ngành này. Đợt IPO của Didi vào tuần trước là đợt chào bán cổ phiếu lớn thứ 2 tại Mỹ của một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, mang đến kỳ vọng lớn. Didi đã bán 317 triệu cổ phiếu - nhiều hơn khoảng 10% so với kế hoạch ban đầu.

Bình luận về vụ việc, Thời báo Hoàn Cầu cho biết cần phải điều tra Didi để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và an ninh quốc gia, bởi công ty nắm giữ một lượng lớn dữ liệu đến mức có thể thực hiện phân tích big data về hành vi của từng cá nhân. Tờ báo nhấn mạnh, việc giám sát chặt chẽ là đặc biệt cần thiết đối với các công ty như Didi - công ty niêm yết tại Mỹ và có cổ đông bên ngoài lớn nhất là các công ty nước ngoài.

Điều khiến Didi trở nên có giá trị đối với các nhà đầu tư, cũng chính là điều khiến Didi và các công ty công nghệ khác trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với Bắc Kinh: Nó nắm giữ lượng lớn dữ liệu nhạy cảm từ nửa tỷ người dùng hoạt động hàng năm, chủ yếu ở Trung Quốc. Ước tính, Trung Quốc sẽ nắm giữ 1/3 dữ liệu của thế giới vào năm 2025, mang lại cho nước này một lợi thế cạnh tranh tiềm tàng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy nền kinh tế hiện đại. Mặt khác, Bắc Kinh cũng lo ngại về việc chuyển giao thông tin mà đối thủ của họ có thể sử dụng.

Trong năm qua, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách giành quyền kiểm soát big data để bảo vệ người dùng khỏi bị lạm dụng, đồng thời khai thác nó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng thay vì chỉ làm giàu cho một nhóm tỷ phú có khả năng thách thức chính quyền. Một ví dụ điển hình là quyết định đình chỉ IPO kép trị giá 37 tỷ USD của Ant Group tại Thượng Hải và Hongkong vào tháng 10/2020.

Giống như Didi, Ant Group - một chi nhánh thuộc Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma - cũng thống trị lĩnh vực của mình, định hình cuộc sống của hàng triệu người Trung Quốc thông qua ứng dụng thanh toán điện tử Alipay cũng như quỹ thị trường tiền tệ khổng lồ Yu'ebao. Tuy nhiên, Bắc Kinh cảnh báo những công ty này thường cho người trẻ tuổi vay tiền một cách dễ dàng, hình thành thói quen tiêu dùng xấu. Trong khi đó, tỷ phú Jack Ma công khai chỉ trích hệ thống ngân hàng hiện hành của Trung Quốc, cho rằng cấu trúc quản lý tài chính của quốc gia không phù hợp với các công ty fintech của ông.

Thực tế, Trung Quốc không phải nơi duy nhất cố gắng kiểm soát sự thống trị của các công ty công nghệ lớn. Quốc hội Mỹ đang tìm cách buộc các công ty như Amazon, Apple… thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh của họ, trong khi Google phải đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền sâu rộng của Liên minh châu Âu. "Toàn cầu đã bước vào một thời kỳ mới, khi việc giám sát quy định về công nghệ đã tăng lên và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới", Joshua Crabb - một nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao của Robeco có trụ sở ở Hongkong, nói với Bloomberg.