Một tác phẩm tranh tường bằng kỹ thuật sgraffito của nghệ sĩ người Kazakhstan Eugeny Sidorkin (1930 - 1982). |
Khi Jama Nurkalieva và nhóm nhỏ các đồng nghiệp cùng thực hiện cuộc khảo sát một rạp chiếu phim từ thời Liên Xô nay đã bị bỏ hoang ở Almaty - thủ đô cũ của Kazakhstan, họ hoàn toàn không biết điều gì nằm sau bức tường thạch cao hướng ra mặt đường cho đến khi ai đó phát hiện ra một khe hẹp.
Rọi đèn vào khoảng tối phía sau bức tường, cả nhóm thoáng thấy hình ảnh phần đầu của một người đàn ông. Khi phần còn lại của tác phẩm nghệ thuật được tiết lộ hoàn toàn, người ta chắc chắn rằng đây chính là một "sgraffito" của nghệ sĩ Eugeny Sidorkin thời Liên Xô tạo nên, từng bị thất lạc và lãng quên trong nhiều thập kỷ qua.
Có nguồn gốc từ nghệ thuật chạm khắc "graffiare" của Italia, "sgraffito" là một kỹ thuật liên quan đến việc đặt một lớp thạch cao hay xi măng lên trên một bề mặt tương phản khác nhằm để lộ các hoa văn bên dưới.
Được xây dựng theo thiết kế tiêu chuẩn vào năm 1964, rạp chiếu phim cũ này từng là một trong những rạp chiếu phim lớn nhất của Liên bang Xô Viết. Nó được bao quanh bởi những cửa kính lớn, tạo điều kiện cho người qua đường được ngắm nhìn trọn vẹn bức sgraffito.
Giờ đây, rạp chiếu phim cũ đang được chuyển đổi thành Trung tâm văn hóa đương đại Tselinny. Giám đốc trung tâm Nurkalieva cho biết, việc phát hiện ra một tác phẩm của Sidorkin - từng được vinh danh là Nghệ sĩ Nhân dân của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Kazakhstan trước khi ông qua đời năm 1982 - là một điều đặc biệt thú vị. Những sgraffito được tìm thấy tại đây đang được phục chế bởi các chuyên gia, gồm kiến trúc sư Asif Khan và con trai cố nghệ sĩ Sidorkin.
Sgraffito không phải là nghệ thuật duy nhất của Liên Xô được phát hiện ở Almaty khi hồi tháng 9 năm ngoái, người sáng lập trang web "Almaty phi thường" Dennis Keen đã phát hiện ra bức tranh khảm Vladimir Ilyich Lenin năm 1984 tại Viện hàn lâm Khoa học Kazakhstan. Tác phẩm, được cho là của Vladimir Tverdokhlebov và một nhóm các nghệ sĩ, luôn bị che bởi một bức màn, buộc các du khách phải đăng ký để được sắp xếp chiêm ngưỡng riêng nếu muốn.
Điều này là bởi sự nhạy cảm chính trị, khi thực tế là tại một số TP hậu Xô Viết ngoại trừ Nga, các biểu tượng cộng sản đã và đang bị xem là phạm pháp. Chẳng hạn, Ukraine đã thông qua luật năm 2015 nhằm cấm các biểu tượng cộng sản được trưng bày ở những nơi công cộng với tối đa 10 năm tù cho những người không tuân theo, đồng thời tiến hành loại bỏ chúng. Các tác phẩm nghệ thuật thời Xô Viết mô tả văn hóa dân gian, khoa học và thể thao được miễn trừ, riêng 2 tác phẩm "Lenin với khoa học" tại Kharkov và "Mãi mãi cùng Lenin" ở Lysychansk đã bị phá hủy vào một năm sau đó.
Theo nhà nghiên cứu Yevgen Nikiforov, ước tính đã có tới 4% số tranh khảm tại Ukraine đã bị phá bỏ hoặc cấm công khai kể từ khi điều luật nói trên được ban hành. Riêng tại Almaty, ông Keen ước tính rằng khoảng một phần ba các tác phẩm nghệ thuật thời Liên Xô của TP này đã biến mất, trong khi những gì còn sót lại phần lớn là tranh khảm, phù điêu và tranh tường - loại hình khác với kiểu tranh được vẽ khi nó có thể chịu đựng tốt các yếu tố như thời gian hay điều kiện thời tiết.
Ekaterina Golovatyuk, người phụ trách triển lãm kiến trúc hiện đại của Liên Xô tại Tselinny, tin rằng Almaty còn giữ lại được nhiều bức tranh khảm đến vậy là nhờ sự kiện thủ đô của Kazakhstan chuyển từ Almaty tới Astana vào năm 1997, dưới thời Tổng thống Nurultan Nazarbayev. Điều này khiến Almaty như "vô tình" bị quên lãng, bằng không sẽ còn nhiều tác phẩm giá trị nữa bị loại bỏ.