Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau sự "biến mất" của mọi ghi chép về 5 cuộc gặp Trump - Putin

Hương Thảo (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những nghi vấn về quan hệ Trump - Nga lại được dịp bùng lên trong nội bộ nước Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh ở Phần Lan hồi tháng 7/2018. 
Tờ Washington Post hôm 12/1 đã khơi dậy "cơn bão" tranh luận khi dẫn lời nhiều quan chức Mỹ cho rằng không có bất cứ hồ sơ chi tiết về 5 cuộc họp cá nhân của Tổng thống Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Các quan chức hiện tại và trước đây của Washington nói với tờ báo rằng ông Trump đã nỗ lực "ém" mọi thông tin tại những hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga, bao gồm việc tịch thu các ghi chú từ người phiên dịch và không cho phép họ thảo luận chi tiết về các cuộc họp với các quan chức khác ngay trong chính quyền của ông.
The Post còn lưu ý rằng hành vi này của ông chủ Nhà Trắng là "không bình thường" so với các vị Tổng thống trước đây.
Như để minh chứng, tờ báo nổi tiếng của Mỹ đã dẫn lại một trường hợp diễn ra sau cuộc gặp Trump - Putin ở Hamburg, Đức, hồi 2017, khi cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng có mặt, rằng một cố vấn Nhà Trắng và một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao được cho là đã cố khai thác thêm thông tin từ phiên dịch viên của ông Trump ngoài những thông tin sơ sài mà ông Tillerson công bố chính thức.
Cũng theo một phát ngôn viên của Nhà Trắng thì chính quyền Trump đã tìm cách "cải thiện mối quan hệ với Nga" sau khi chính quyền Obama "đã theo đuổi một chính sách đầy thiếu sót", đồng thời khẳng định Mỹ dưới thời Trump vẫn "áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đáng kể" để đáp trả các động thái của Moscow.
Bình luận về báo cáo mới nhất từ Washington Post đã được Tổng thống Trump nhanh chóng đưa ra trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Fox News vào tối cùng ngày.
"Tôi đã có những cuộc trò chuyện như mọi Tổng thống Mỹ khi ngồi với Tổng thống của nhiều quốc gia khác", ông Trump khẳng định, "chúng tôi (ông Trump và ông Putin) đã nói về việc bảo vệ Israel và rất nhiều điều khác. Đó là một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Tôi không cần phải giấu giếm bất cứ điều gì".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thì chỉ trích báo cáo của The Post là "thiếu chính xác đến nỗi thậm chí không nhất thiết phải phản hồi", đồng thời gạt bỏ những nghi vấn về một quyết sách mềm mỏng với Nga của chính quyền Trump. Tuyên bố này đã lặp lại một thông tin mà bà Sanders đưa ra vào tối hôm 11/1 về một báo cáo của tờ New York Times rằng FBI đã mở một cuộc điều tra phản gián đối với Tổng thống Trump sau vụ sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey.
Những tiết lộ của The Post được đưa ra khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller vẫn đang tiếp tục điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 - xem xét rằng liệu có bất kỳ mối quan hệ nào giữa các cộng sự trong chiến dịch tranh cử của Trump với Điện Kremlin hay không, dù ông Trump đã nhiều lần phủ nhận.