Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau tăng trưởng vượt dự báo của Trung Quốc trong quý I

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, dù tăng trưởng ấn tượng, đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không bền vững.

Quang cảnh tại một nhà máy sản xuất ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg 
Quang cảnh tại một nhà máy sản xuất ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg 

Dữ liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ của Trung Quốc đang phục hồi mạnh nhưng lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có thể gặp khó trong năm 2023.

Bán lẻ phục hồi ấn tượng

Tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm của Trung Quốc vượt kỳ vọng sau khi nước này chấm dứt chính sách “zero Covid”.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18/4, GDP của nước này tăng 4,5% trong quý I, cao hơn mức dự báo 4% của các nhà kinh tế. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2022.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi sau mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái. Tình trạng phong tỏa hàng loạt làm tê liệt các hoạt động sản xuất và giảm sức chi tiêu trong nước.

Theo Financial Times, dù số liệu tăng trưởng GDP quý I báo hiệu Trung Quốc đang đi đúng hướng để đạt hoặc vượt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, các chuyên gia kinh tế cảnh báo đà phục hồi sẽ không bền vững.

NBS ghi nhận số liệu GDP quý I khả quan đối với nền kinh tế nhưng nhu cầu trong nước “chưa đầy đủ” và nền tảng của sự phục hồi “chưa vững chắc”.

Bán lẻ, một trong những lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề do các biện pháp hạn chế chống Covid-19 của Bắc Kinh trong 3 năm qua, đã ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ nhất trong quý I.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 10,6% trong tháng 3, vượt dự báo 7,5% của các nhà phân tích và cao hơn so với tháng 1 và tháng 2 - thời điểm nước này bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế.

Tuy nhiên, đầu tư tài sản cố định và bất động sản lại giảm trong quý I và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Đề phòng “cơn gió ngược” toàn cầu

Một số nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc, tuy nhiên, cảnh báo đà tăng trưởng mạnh mẽ của quý I có được duy trì trong cả năm hay không còn phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản và lĩnh vực xuất khẩu.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Liên Vân ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 13/4/2023. Ảnh: AFP
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Liên Vân ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 13/4/2023. Ảnh: AFP

Chuyên gia cấp cao Gerard Burg của Ngân hàng Quốc gia Australia đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 từ mức 5,4% lên 5,6%, song nói rằng lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức trong năm nay.

Các chuyên gia kinh tế đang tranh luận liệu Bắc Kinh có cần thực hiện thêm các gói kích thích chi tiêu hay không khi đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023.

Dữ liệu mới nhất đã hạ thấp kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế lớn của chính quyền Bắc Kinh trong thời gian sắp tới. Cho đến nay, Trung Quốc đã tránh được tình trạng lạm phát phi mã và lãi suất tăng cao vốn đang diễn ra tại nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trước đó, hôm 15/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn kỳ hạn 1 năm ở mức 2,85%.

Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh trong tháng 3, trái ngược với dự báo u ám của các nhà kinh tế trong bối cảnh nhu cầu chịu tác động tiêu cực từ đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Theo số liệu mới nhất, thặng dư thương mại của nước này tăng mạnh trong tháng 3, lên tới 88,2 tỷ USD.

Mặc dù vậy, triển vọng xuất khẩu sẽ khó khăn hơn khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc giảm. Ngoài ra, việc tăng lãi suất chậm trễ ở các thị trường phát triển và tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng ở Mỹ cũng gây áp lực lên thương mại.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Ting Lu của Nomura nhận định: “Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại kể từ bây giờ trong bối cảnh Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái nhẹ và tăng trưởng rất chậm ở châu Âu”.