Đánh giá trực tiếp quá trình chuyển đổi số
Có thể nói, trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số đã liên tục được Hà Nội đẩy mạnh và tăng tốc với sự cố gắng, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính quyền. Từ cấp TP cho đến các sở, ngành tập trung tối đa nguồn lực nhằm hướng tới xây dựng chính quyền số - xã hội số - kinh tế số.
Quyết tâm của Hà Nội thể hiện rõ nét qua hàng loạt những chỉ đạo, văn bản, quy định được liên tiếp ban hành nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi số. Có thể kể đến như: Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND Thành phố về chuyển đổi số xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 …
Những nỗ lực của Hà Nội đã bắt đầu có kết quả tích cực, điều này thể hiện rõ qua chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Thủ đô được cải thiện đáng kể. Theo kết quả DTI 2022, Hà Nội đã tăng 19 bậc so với kỳ đánh giá trước đó, xếp thứ 24 trong 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, chỉ số kinh tế số xếp thứ 18 (tăng 20 bậc), xã hội số xếp thứ 30 (tăng 17 bậc) và chính quyền số xếp thứ 40 (tăng 1 bậc).
Và nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số nói chung cũng như cải thiện chỉ số DTI của Hà Nội, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định 920/QĐ-UBND về Ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội. Theo đó, định kỳ hàng năm, quá trình chuyển đổi số của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ được đánh giá theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Việc này giúp TP theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan kết quả chuyển đổi số hằng năm của các đơn vị.
Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp TP, cấp huyện gồm 9 chỉ số chính, được phân thành 2 nhóm gồm 5 chỉ số nền tảng chung là nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng; 4 chỉ số hoạt động về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và mức độ hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số của năm. Trong đó, cấp TP gồm 46 chỉ số thành phần và cấp huyện gồm 60 chỉ số thành phần.
Những chỉ số trên được quy định rất cụ thể nhằm đánh giá chính xác quá trình chuyển đổi số của mỗi đơn vị đang nằm ở đâu, từ đó giúp TP có những điều chỉnh kịp thời. Có thể kể đến những chỉ số đáng chú ý như: Có kế hoạch hoặc chương trình hành động hằng năm về chuyển đổi số; Ứng dụng trì tuệ nhân tạo và chuyển đổi số; Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công …
Nỗ lực chuyển đổi số của Hà Nội
Đánh giá về việc lần đầu tiên Hà Nội áp dụng Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước, chuyên gia chuyển số Nguyễn Đinh Hoàng (Giám đốc công ty Digital Power) cho rằng đây là một nỗ lực lớn của TP trong quá trình chuyển đổi số. Cần chú ý, kể từ năm 2021 khi lần đầu Bộ TT&TT công bố bộ chỉ số tương tự về mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh tại Việt Nam, đến nay hầu hết địa phương, đơn vị đều có những tiến bộ rõ nét trong công tác chuyển đổi số.
Đối với bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Hà Nội, có những chỉ số thành phần về xã hội số đáng chú ý như tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet, tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những chỉ số cần được trú trọng và ưu tiên, bởi đây là cơ sở rõ ràng nhất cho TP trong quá trình xây dựng xã hội số.
Bên cạnh đó, chỉ số về Tổ chuyển đổi số cộng đồng cũng rất quan trọng. Trên thực tế, đây là “cánh tay nối dài” của chính quyền TP tới người dân ở các cấp thấp nhất như xã, phường nhằm giúp họ nắm bắt được những ứng dụng số cơ bản như định danh điện tử cá nhân, sổ sức khỏe điện tử, dịch vụ công trực tuyến … Trên thực tế Hà Nội cũng cần đặc biệt trú trọng những Tổ chuyển đổi số này, bởi chỉ khi người dân ủng hộ thì quá trình chuyển đổi số mới thực sự có được kết quả.
Góp ý với bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hoàng cho rằng cần có thêm chỉ số đánh giá về việc các sở, ngành, quận, huyện thực hiện thuê ngoài doanh nghiệp tư nhân. Rõ ràng, chuyển đổi số là việc đòi hỏi sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, trong đó có cả khối doanh nghiệp công nghệ tư nhân. Việc tham gia của khối này sẽ giúp các đơn vị của TP có những bước đi về chuyển đổi số rõ ràng hơn, khoa học hơn cũng như tiết kiệm chi phí hơn.
Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ đều rất cởi mở và sẵn sàng trợ giúp Hà Nội trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Tất nhiên, mức kinh phí cũng thấp hơn rất nhiều so với thuê một doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Điều kiện cần đã có, giờ chỉ còn điều kiện đủ là TP cũng sẵn sàng bắt tay với doanh nghiệp để thực hiện quá trình này, chuyên gia Nguyễn Đinh Hoàng chia sẻ.