Hà Nội vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hộiTại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Từ ngày 27/1 đến nay, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc tại cộng đồng; đã qua 30 ngày liên tiếp TP không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng, các ổ dịch đều đã kết thúc. Cộng dồn từ năm 2020 đến nay, Hà Nội có 242 ca mắc, chưa có ca tử vong.Về các biện pháp phòng, chống dịch, TP tiếp tục đôn đốc thực hiện nghiêm việc phân luồng tại các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; giao nhiệm vụ cho 10 bệnh viện của TP thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2; giao các cơ sở khám chữa bệnh xét nghiệm cho các trường hợp sốt, ho, khó thở; đến nay đã xét nghiệm được trên 6.000 trường hợp nghi ngờ. Ngoài ra, TP cũng thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên những khu vực có nguy cơ cao tại các cơ sở nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện.
Hà Nội cũng quyết liệt trong công tác kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp 5K trong đó, đặc biệt tập trung vào việc đeo khẩu trang; kiểm tra nội dung liên quan đến yêu cầu tạm dừng một số hoạt động để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tùy vào tình hình thực tế của dịch để điều chỉnh các hoạt động và nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép”.Bên cạnh đó, TP đã ban hành kế hoạch cụ thể cho việc tập huấn các đơn vị triển khai việc tiêm vaccine, từ việc rà soát đối tượng cho đến việc hoạt động tiêm, theo dõi giám sát, xử lý sau khi tiêm. Đến nay, Hà Nội đã tiêm được 2.000 mũi cho các cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám chữa người bệnh và cán bộ điều tra, xử lý ca bệnh. Hiện, các trường hợp này đều có sức khỏe ổn định, dự kiến tuần này và tuần sau, Hà Nội triển khai tiếp cho các đơn vị theo kế hoạch tiêm trong đợt 1. Ngoài ra, TP yêu cầu các tổ chức, cá nhân, cơ quan xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đeo khẩu trang, khai báo y tế bằng mã QR Code, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phòng, chống dịch Covid-19.Đánh giá việc phòng, chống dịch của TP Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội rất quyết liệt và chủ động ngăn chặn kịp thời những đợt dịch xảy ra ở Hà Nội và vùng xung quanh, đồng thời đã có nhiều biện pháp hiệu quả trong việc thực hiện “mục tiêu kép”.Xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tếPhát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các ý kiến tại cuộc họp đều nhận định rằng cuộc chiến này chưa kết thúc và chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm, không được chủ quan trước dịch bệnh khi xuất hiện nhiều biến thể mới mà nhiều nước hiện nay, kể cả khu vực châu Á và các nước ASEAN đang gặp phải. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đồng thời chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những DN khó khăn, những người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới. Cùng với đó thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư trong thời gian tới để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân, DN ứng phó với Covid-19. “Chúng ta hiểu rằng một bộ phận người dân, DN, nhất là vận tải, dịch vụ, du lịch rất khó khăn. Không phải chúng ta chỉ thấy thành tích mà còn thấy những tồn tại, bất cập trong xã hội, một bộ phận người dân đang thiếu việc làm. Chúng ta tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đưa chính sách phù hợp, phục hồi những ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch và hàng không” - Thủ tướng nói.Tiếp tục tổ chức tiêm vaccine AstraZenecaTổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1 - 2 năm tiếp theo. Tại khu vực châu Âu, châu Á, châu Mỹ dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm với sự xuất hiện của nhiều chủng biến thể mới của virus, mặc dù nhiều nước đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Một số quốc gia đã đạt được kết quả ban đầu khả quan trong nghiên cứu, phát triển vaccine, song phần lớn các quốc gia chưa tiếp cận được vaccine do khan hiếm nguồn cung.Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và vaccine trong nước dự kiến phải tới quý IV/2021 Việt Nam mới có. Trước mắt cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K, đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.Đến cuối giờ chiều 16/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm cho tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Trong đó, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khỏe. "Trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi. Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân. Trong đó xem xét tiếp cận nguồn vaccine khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn, tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022.Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.
"Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vaccine của Johnson & Johnson, Modema, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)..." - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long |