Ảnh minh họa
Trường hợp không thể lựa chọn nhà đầu tư để tiếp tục thực hiện Dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Hòa Bình vận động nguồn vốn ODA, thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và về đầu tư xây dựng công trình.
Dự án đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình được khởi công tháng 10/2010, là đoạn tiếp nối của tuyến đường cao tốc Láng-Hòa Lạc dài 33 km được chia làm hai Dự án thành phần thuộc địa bàn TP. Hà Nội và địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Đoạn đường thuộc Dự án qua tỉnh Hòa Bình dài hơn 20 km do Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu chính, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT).
Theo thiết kế, đoạn không qua đô thị là cao tốc loại B có vận tốc 100 km/giờ, 6 làn xe, mặt cắt ngang 33m; đoạn qua đô thị có vận tốc 60 km/giờ, mặt cắt ngang 42m. Tuyến có 7 nút giao thông, 12 công trình cầu lớn, nhỏ. Tổng diện tích đất sử dụng là 215 ha.
Dự kiến thời gian thi công phần đường là 30 tháng và 42 tháng đối với các công trình cầu lớn kể từ ngày khởi công. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng tuyền đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ tạo ra trục giao thông liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh miền Tây Bắc, giảm tải cho Quốc lộ 6, góp phần hình thành những vùng động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hòa Bình và các địa phương khác trong khu vực.
Theo kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên hiện nay, tiến độ xây dựng, công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng đều chậm, thiếu vốn thực hiện dự án.