KTĐT - UBND TP Hà Nội vừa có buổi làm việc với các bộ ngành liên quan về việc thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong việc di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra ngoài nội thành Hà Nội.
Không xây bệnh viện mới trong khu trung tâm
Trên địa bàn Hà Nội hiện tập trung phần lớn các bệnh viện (BV) tuyến Trung Ương. Hệ thống này đang bị quá tải trầm trọng, nhiều cơ sở công suất hoạt động vượt trên 200%. Trong 4 quận nội thành, hiện có 16 cơ sở y tế, trong đó 12 cơ sở cấp trung ương, 4 cơ sở của Bộ, ngành. Một số cơ sở có mức độ lây nhiễm cao, nằm trong khu dân cư đông đúc; một số khác diện tích lại quá nhỏ theo cấp phục vụ hoặc nằm trong khu hạn chế phát triển, góp phần gây quá tải về hạ tầng, lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế cho xây dựng 4 cụm y tế chuyên sâu, đa khoa, đồng thời, Bộ Y tế đã có kế hoạch di dời 13 BV khỏi nội thành. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP tạo điều kiện cho các BV nâng cấp tại một số cơ sở còn quỹ đất xây dựng và nâng tầng để tăng thêm giường bệnh trong khi chờ xây dựng cơ sở 2.
UBND TP đề nghị Bộ Y tế cùng Hà Nội thống nhất lại quy hoạch, vị trí, địa điểm, quy mô quỹ đất dành cho y tế. Thống nhất những cơ sở phải đi và nơi đến cũng như thời điểm di dời và nguồn lực để thực hiện. Các cơ sở y tế, BV di dời sẽ được tổ chức tập trung theo năm hướng quanh nội thành, xây dựng thành 5 tổ hợp công trình y tế đa chức năng, chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế. Theo đó, khu vực phía Bắc bố trí tại huyện Sóc Sơn (khoảng 100ha); khu vực phía Nam tại huyện Phú Xuyên (khoảng 200ha); khu vực phía Đông tại huyện Gia Lâm (khoảng 50ha); khu vực phía Tây tại Hòa Lạc (khoảng 200ha); khu vực phía Tây Bắc tại Sơn Tây (khoảng 50ha).
Sẽ không xây mới BV trong khu đô thị trung tâm, các BV mới xây phải cách trung tâm thành phố trong khu vực bán kính khoảng 25 - 30km2, phải đặt tại đầu mối giao thông thuận lợi cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận tới điều trị…
Sau khi được di chuyển, các khu đất, cơ sở BV cũ sẽ được ưu tiên cho các cơ sở y tế của thành phố, y tế cơ sở. Trong và ngoài khu vực vành đai 2 được ưu tiên cho các công trình hạ tầng xã hội như công viên, trường học, bãi đỗ xe, y tế cơ sở (không lây nhiễm)… Trước mắt các cơ sở y tế ở khu vực nội thành vẫn hoạt động bình thường để đáp ứng yêu cầu của người bệnh, khi nào xây dựng xong các cụm y tế mới tiến hành di dời.
Cơ sở giáo dục bị quá tải
Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1/3 số trường ĐH, CĐ (96 trường) và tới 40% tổng số SV cả nước theo học (khoảng 66 vạn SV). Riêng 4 quận nội thành có 26 cơ sở. Thực trạng hệ thống các trường học nói trên cũng đang gây áp lực quá tải tới hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, chỉ tiêu bình quân diện tích đất/sinh viên và bình quân diện tích đất/cơ sở trường rất thấp so với tiêu chuẩn quốc gia.
Theo định hướng đến năm 2020, số lượng SV sẽ tăng lên gần 2 triệu nên sẽ cần khoảng 15.000ha để xây dựng cơ sở vật chất. Bộ Xây dựng đã đề xuất 23 cơ sở giáo dục cần cải tạo và di dời, trong đó có 20 trường ĐH và học viện, 3 trường CĐ. Sau khi di dời, các trường này sẽ được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh, như Gia Lâm (khoảng 250ha), Sóc Sơn (khoảng 600ha), Sơn Tây (khoảng 300ha), Hòa Lạc (khoảng 1.200ha), Phú Xuyên (khoảng 100ha)…
Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình cho biết, các sở ngành của thành phố sẽ phối hợp với các Bộ để thống nhất cơ sở nào cần di chuyển, cơ sở nào di chuyển một phần… Cuối tháng 10, đầu tháng 11 thành phố sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.
Từ tháng 8.2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội và các Bộ liên quan rà soát, lên danh sách các cơ sở y tế và giáo dục tại 4 quận nội thành Hà Nội thuộc diện di dời, cải tạo, chuyển đổi chức năng. Theo Phó Thủ tướng, việc di dời các cơ sở y tế khám chữa bệnh, các cơ sở giáo dục đào tạo ra ngoài trung tâm thành phố Hà Nội nhằm giảm mật độ dân số trong trung tâm thành phố, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân trong đô thị. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục được quy hoạch, đầu tư nâng cấp.
- 13 cơ sở y tế phải di dời: BV Bạch Mai, BV Hữu Nghị, BV Nhi TƯ, BV Phụ sản TƯ, BV Tai Mũi Họng TƯ, BV Lao và bệnh phổi TƯ, BV Châm cứu TƯ, BV Y học cổ truyền TƯ, BV Nội tiết, BV Mắt TƯ, BV Đại học Y Hà Nội, BV K, BV Việt Đức. - 12 cơ sở giáo dục phải di dời: ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật HN, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa HN, ĐH Xây dựng, ĐH Y HN, ĐH Y tế công cộng, Viện ĐH Mở, CĐ Công nghệ cao HN, CĐ Y tế HN. - 11 cơ sở giáo dục phải cải tạo: ĐH Bách khoa HN, ĐH Dược HN, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỹ thuật công nghiệp HN, ĐH Thủy lợi, Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, CĐ Nghệ thuật HN. |