Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức không gian Hồ Tây

Chi Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần như liên tục, đầu Xuân 2018, 2 sự kiện văn hóa của Hà Nội đều diễn ra quanh Hồ Tây: Lễ hội bơi chải thuyền rồng và lễ hội hoa hồng Bulgaria.

Sự lựa chọn này không phải ngẫu nhiên, bởi như lời lãnh đạo ngành văn hóa TP, đó là những hoạt động nằm trong lộ trình đánh thức không gian Hồ Tây, để biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.
Đua thuyền rồng trên Hồ Tây đầu Xuân Mậu Tuất. Ảnh: Phạm Hùng
Lộ trình ấy đã được bắt đầu từ mấy năm trước, khi Hà Nội triển khai kế hoạch nạo vét bùn và bổ sung nguồn nước cho hồ, kèm theo là di dời các du thuyền, nhà hàng nổi để trả lại cảnh quan cho mặt nước. Thực tế, không phải đến những năm gần đây, vai trò của Hồ Tây trong quy hoạch Hà Nội mới được lưu tâm. Ít nhất, trong những bản quy hoạch TP trước năm 1945, các kiến trúc sư (KTS) người Pháp Esnes Hebrad và Luis Georges Pineau đã 2 lần nhấn mạnh ý đồ xây dựng một TP vườn tại đây, dựa trên mặt nước, thảm cỏ và các xóm làng truyền thống. Rồi tới thập niên 1950, dưới ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Liên Xô (cũ), Hồ Tây vẫn được đề xuất là công viên lớn, kiêm lá phổi xanh của Hà Nội. Thậm chí, tới đầu năm 2000, trong một đồ án quy hoạch do Hàn Quốc tư vấn, Hồ Tây còn được mở rộng không gian, kết nối với phía bên kia sông Hồng bằng việc xây dựng một hồ nước nhân tạo đối xứng ở phía Đông Anh… Hồ Tây được đề cao đến vậy, không chỉ bởi diện tích 500ha (trước đây là hơn 600ha) mặt nước mà nó đang sở hữu. Đó còn là câu chuyện của một hệ thống vô cùng phong phú những huyền tích, làng nghề và di tích đã từng tồn tại suốt nhiều thế kỷ ven hồ - mà trong đó, khoảng 30 di tích đã được xếp hạng.

Phần sau của những dự án đó, mọi người đều biết. Chúng không thành hiện thực vì nhiều lý do, trong đó có cả câu chuyện của tư duy, nguồn lực đầu tư hay của những gián đoạn theo lịch sử. Nhưng muốn hay không, Hồ Tây cũng tới lúc phải gánh vác sứ mệnh của mình: Trở thành một trung tâm văn hóa mới cho Hà Nội. Sứ mệnh ấy không chỉ đến từ lớp trầm tích văn hóa vốn có, mà còn ở gánh nặng của một Hà Nội đã được mở rộng diện tích lên cả chục lần so với hơn một thế kỷ trước đây.

Suốt một thế kỷ đó, khi những kiến trúc lộn xộn mọc lên quanh hồ, việc quy hoạch lại Hồ Tây trở nên khó hơn trước rất nhiều. Bù lại, tuyến đường cảnh quan dài 17km quanh Hồ Tây được hoàn thành. Có nghĩa, Hà Nội đã “ôm trọn” Hồ Tây với sự phát triển theo thời gian, thay vì để nó nằm ở rìa TP như trong quá khứ. Nhưng với những gì đang diễn ra, dường như Hồ Tây vẫn nằm ngoài tầm với của người Hà Nội. Chúng ta vẫn chỉ quanh quẩn ven hồ để dạo bộ, đạp vịt, thưởng ngoạn cảnh quan… mà chưa thể tiến ra 500ha mặt nước, chưa thể biến không gian ấy thành một trung tâm văn hóa thứ hai của Hà Nội, để chia sẻ công năng với một hồ Hoàn Kiếm nhỏ hơn nó rất nhiều.

Những sự kiện vừa được tổ chức tại Hồ Tây, cũng như những dự án đang được nghiên cứu triển khai về thưởng lãm trà sen, tham quan làng giấy dó, tour tham quan quanh hồ bằng xe điện… là những viên gạch đầu tiên để Hồ Tây gánh lấy sứ mệnh ấy. Tất nhiên, để được như kỳ vọng, việc đánh thức Hồ Tây sẽ còn phải trải qua một lộ trình dài. Trong đó, điều quan trọng nhất có lẽ không phải là nguồn vốn đầu tư, mà là cách tiếp cận và tư duy làm du lịch.

Giống như trường hợp phố đi bộ Trịnh Công Sơn, từng được đề xuất tổ chức để trở thành một điểm nhấn của không gian quanh hồ. Nhưng kế hoạch này cũng chưa thể triển khai. Bởi như nhiều ý kiến đã chỉ ra, phố đi bộ ấy chỉ có hồn khi khai thác được lớp văn hóa ở đây cộng những gì mà Trịnh Công Sơn đã viết về Hồ Tây, thay vì trở thành một bản sao của phố đi bộ Hồ Gươm hiện tại. “Lỡ hẹn” đã nhiều lần, Hồ Tây rồi cũng tới lúc phải nhận gánh nặng kỳ vọng mà người ta đặt lên không gian ấy.