Năm 2022, theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng có 140.000 khách quốc tế đến Đà Lạt, trong đó 35.700 khách đến từ Hàn Quốc, chiếm 25%. Sở dĩ như vậy vì hai thành phố Chuncheon và Đà Lạt có mối quan hệ hữu nghị từ năm 2016, đã nâng lên mối quan hệ thành phố kết nghĩa vào ngày 21/12/2019 nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII.
“Hoàng tử" ngủ quên trên cao nguyên
Từ sân bay Incheon-Hàn Quốc có đường bay thẳng đến sân bay Liên Khương (Đà Lạt) nên khách du lịch Hàn Quốc chỉ mất độ 7 giờ (tiền vé hơn 200 USD) là dễ dàng có mặt tại thành phố được ví như một tiểu Paris với khí hậu mát mẻ quanh năm. Trong dịp cuối năm (từ tháng 12 đến tháng 4), khi thời tiết Hàn Quốc lạnh giá các golfer xứ sở Kim Chi đã chọn Đà Lạt để du lịch kết hợp với chơi golf.
Đến giờ vẫn khó lý giải vì sao tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài 84 km, phần còn lại của tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt, nối Ninh Thuận với Lâm Đồng, khai thác năm 1932, do người Pháp xây dựng lại thu hút khách du lịch Hàn Quốc đến thế. Phải chăng, những người Hàn Quốc đến thăm Đà Lạt khi về nước đã giành cho tuyến đường sắt độc đáo này nhiều thiện cảm và “mách nước” cho người thân trải nghiệm.
Hiện tàu Đà Lạt - Trại Mát được chạy cố định các ngày thứ 6, 7 và chủ Nhật hàng tuần, với ít nhất 2 đôi mỗi ngày, mỗi chuyến khoảng 30 phút di chuyển với giá vé 88.000 đồng và 98.000 đồng, mua khứ hồi còn được giảm 25% mức giá. Khi có khách đoàn bao chuyến, đường sắt sẽ tổ chức chạy tàu tăng cường.
Quan sát và thống kê ngẫu nhiên của chúng tôi trong 148 hành khách có mặt trên chuyến tàu ĐL3 thì có tới 121 khách Hàn Quốc, khá nhiều golfer. Theo số liệu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2019 thời điểm trước khi dịch Covid-19 có tới trên 144 ngàn du khách đã tham quan, trải nghiệm ngồi tàu đường sắt Đà Lạt - Trại Mát thu về trên 9,5 tỷ đồng tiền bán vé.
Mấy tháng đầu năm 2023, lượng khách trải nghiệm trung bình xấp xỉ 13 nghìn hành khách/tháng, doanh thu khoảng 830 triệu đồng/tháng. Nếu tính doanh thu/km thì hiệu quả khai thác trên tuyến này không tồi, thậm chí còn tốt hơn tuyến Hà Nội-Hải Phòng đang được đánh giá có doanh thu tốt của đường sắt Việt Nam.
Dù là loại hình kinh doanh vận tải nhưng thực chất đường sắt Đà Lạt - Trại Mát được xem như tour du lịch hơn là thực hiện chức năng như vận tải thông thường. “Đã đến lúc chính quyền địa phương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần ngồi lại với nhau, chung tay thiết kế lại tour du lịch tàu hỏa tuyến ngắn để thu hút nhiều hơn nữa các đoàn du khách quốc tế, đặc biệt là khách Hàn đến với TP Đà Lạt thơ mộng này”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam - TS Phạm Thành Trí góp ý.
Không khó để thấy dịch vụ của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát khá nghèo nàn, nhiều hành khách Hàn Quốc muốn tìm địa điểm để có tấm ảnh đẹp kỷ niệm về chuyến đi cũng khá khó khăn. Hai bên đường sắt là những cảnh quan nhếch nhác, khó lòng cho du khách những trải nghiệm đẹp trong bối cảnh cả Đà Lạt được xem như một vườn hoa khổng lồ.
Bằng mắt thường chúng ta cũng thấy hệ thống đường sắt nơi đây không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đúng quy trình, ray mòn, nền đường không được chăm sóc cỏ mọc tốt um. Mặc dù không nằm trên tuyến đường sắt Thống Nhất, mật độ chạy tàu không cao nhưng đã đến lúc Cục Đường sắt phải có mặt, kiểm tra chất lượng tuyến đường dài chỉ 8,4km này. Nguy cơ mất an toàn là có thật và cảnh báo này là không thừa.
So với 2 địa điểm mà du khách Hàn Quốc thích check-in tại Đà Lạt là Hồ Xuân Hương nằm ngay trung tâm TP Đà Lạt và bên cạnh là Đồi Cù thì tour du lịch đường sắt đang có sự lệch pha lớn về sự đầu tư có chiều sâu. Anh Lee Jong-suk, một du khách người Hàn Quốc có mặt trên chuyến tàu ĐL3 cho biết: “Giá vé trải nghiệm tour du lịch đường sắt khá rẻ nhưng hành khách chúng tôi không có nhiều lựa chọn mua đồ lưu niệm về tuyến đường sắt răng cưa nổi tiếng được đã người Pháp đưa vào khai thác từ năm 1932”.
Đánh thức tiềm năng
Việc đường sắt giao cho Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn đứng ra tổ chức khai thác tuyến đường sắt nay đã hạn chế nguồn lực đầu tư nâng cấp một cách đồng bộ một tour du lịch bằng tàu hỏa trên thành phố du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam. Là đơn vị hạch toán phụ thuộc, Chi nhánh không có đủ nguồn lực để "đánh thức tiềm năng" mà chỉ đơn thuần kinh doanh vận tải.
Theo số liệu được công bố của Ngân hàng Quốc gia Hàn Quốc trước khi xảy ra dịch Covid-19 trung bình của mỗi người dân Hàn Quốc chi tiêu cho du lịch nước ngoài là 1.114 USD. Ngoài tiền vé khứ hồi Đà Lạt-Trại Mát-Đà Lạt không đến 10 USD, đường sắt còn thu được những doanh số kinh doanh sản phẩm gì?
Tour du lịch bằng tàu hỏa
“Một phát hiện hay, chính xác của Báo Kinh tế & Đô thị, đây là tour du lịch bằng tàu hỏa khá độc đáo mà Tổng công ty Đường sắt phải tìm cách khai thác, quảng bá hơn nữa trong thời gian tới. Du lịch Đà Lạt cũng cần phải kết hợp với đường sắt khai thác nhằm đa dạng hóa các sản phẩm của TP du lịch ngàn hoa này”- PGS.TS Lê Quân
Năm 2023, Lâm Đồng đặt mục tiêu đón hơn 6,5 triệu lượt du khách qua lưu trú, trong đó có hơn 250 nghìn lượt khách quốc tế, theo dự báo tỷ lệ khách Hàn Quốc sẽ lớn hơn con số 25% của năm ngoái.
Điều này cho thấy, tiềm năng của tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát sẽ còn tăng cao. Theo thống kê của các website, ứng dụng đặt phòng thì Đà Lạt là TP được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Nếu được đầu tư đúng mức thì ngoài doanh thu vận tải trên 10 tỷ đồng/năm thì đường sắt hoàn toàn có thể thu về 2-3 tỷ đồng dịch vụ du lịch, thậm chí còn hơn. Nhưng làm sao khai thác được “con gà đẻ trứng vàng” này, cần có một sự thay đổi lớn trong tư duy của các nhà quản lý, đường sắt Đà Lạt - Trại Mát phải được xem như là sản phẩm du lịch chứ không phải là sản phẩm vận tải đơn thuần như lâu nay.