Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đạo đức nhà giáo: Lỗi từ khâu đào tạo?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù những rùm beng từ cơ sở mầm non Sen Vàng, Trường THPT Phan Đình Phùng, đặc biệt là Trường Tiểu học Nam Trung Yên đã tạm khép lại, song vấn đề trách nhiệm, đạo đức nhà giáo vẫn âm ỉ trong dư luận với một nỗi lo âu thường trực.

Ngay cả người trong nghề cũng không phủ nhận, đào tạo sư phạm mới dừng ở kiến thức, chưa chú trọng đến việc dạy nhân cách, đạo đức nhà giáo.
Đầu vào dễ dãi
Nhìn về những bạo hành trẻ, những né tránh trách nhiệm, những thiếu trung thực... ồn lên trong môi trường giáo dục vừa rồi, rất nhiều người cho rằng nguyên nhân sâu xa là việc mở ngành đào tạo sư phạm tràn lan, "đầu vào" bị thả lỏng chất lượng nên đã cho "ra lò" những giáo viên thiếu kỹ năng, thiếu đạo đức nhà giáo.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Trung Quý

Nhớ lại "thời vàng son" đã qua, khá nhiều nhà giáo nghỉ hưu thừa nhận, trước đây, việc rèn đạo đức của người thầy rất khác bây giờ. Hiện tại giáo dục mới chỉ dừng ở cung cấp kiến thức, chưa coi trọng giáo dục thái độ, hành vi của người thầy. Từng là giáo viên trường Sư phạm Mầm non của tỉnh Hà Tây cũ, bà Đường Thị Lệ - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, trước đây, tuyển đầu vào các trường sư phạm rất khắt khe, giáo viên được đào tạo toàn diện cả về kỹ năng lẫn đạo đức nhân cách người làm thầy. Còn hiện nay, đào tạo ngành sư phạm tràn lan, nhiều trường trung cấp tổng hợp cũng mở đào tạo ngành sư phạm, đào tạo ngắn hạn, thậm chí đào tạo từ xa...
Hơn thế, nghề làm thầy là nghề dùng nhân cách để giáo dục nhân cách, nên không thể dùng "phế thải" mà phải dùng "chính phẩm". Nghĩa là phải chọn người giỏi vào nghề giáo, chứ không thể tuyển sinh ngành sư phạm ồ ạt theo kiểu "nhà nhà đào tạo sư phạm" như thời gian qua. Không thiếu sinh viên vào sư phạm không phải vì yêu bục giảng và trẻ nhỏ, mà chỉ cốt kiếm tấm bằng và chứng chỉ để đi xin việc. Nhìn nhận những sự việc liên quan đến đạo đức nhà giáo vừa xảy ra, chính lãnh đạo một trường THPT của quận Cầu Giấy cũng buồn lòng cho khâu đầu vào ngành sư phạm. Vị này khẳng định: "Có những người không yêu nghề, không đủ phẩm chất năng lực vẫn vào được ngành sư phạm. Đây là những bất cập, nguyên nhân gốc rễ khiến môi trường giáo dục có những người thầy kém cả về đạo đức lẫn kiến thức, dẫn đến những vụ việc đáng tiếc như đã xảy ra”.
Đầu tư cho tâm lý giáo dục
Trao đổi xung quanh vấn đề đạo đức nhà giáo hiện nay, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Hiện nay, chúng ta chưa đặt nặng về giáo dục chính trị tư tưởng trong các trường sư phạm. Đào tạo sư phạm tràn lan, không đúng chuẩn dẫn tới dư thừa giáo viên, chất lượng kém”. Bởi thế, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, với những giáo viên dư thừa, cần tính toán để đưa về các trường sư phạm đào tạo lại, nâng cao nghiệp vụ. Hơn nữa, việc đào tạo phải gắn với thực tập ở các trường phổ thông. Hiện giáo sinh vẫn ít được thực nghiệm khi mỗi năm chỉ có 2 tuần kiến tập. Việc đào tạo sinh viên sư phạm có thể kết hợp với giáo viên phổ thông bằng kinh nghiệm thực tế.
Không phải đến bây giờ, những bất cập trong đào tạo ngành sư phạm mới gióng giả, song thời điểm này, câu chuyện nhân cách, đạo đức nhà giáo mới được đào sâu trong khâu đào tạo ngành trồng người. Có phải đào tạo chưa chú trọng rèn rũa nhân cách, dạy cách nghĩ cách học còn bị xem nhẹ; duy trì quá lâu phương pháp giáo dục lạc hậu, mang tính áp đặt... đẩy sinh viên đến chỗ thụ động chấp nhận những điều rao giảng. Thế nên, trước hồi chuông cảnh báo về nhân cách nhà giáo này, nhiều chuyên gia kiến nghị, đối với các trường sư phạm, nhất là khoa tâm lý giáo dục cần phải được đầu tư kỹ lưỡng; trong cơ cấu đội ngũ giảng viên cần có chuyên gia đầu ngành về tâm lý học và giáo dục; chương trình đào tạo phải chú trọng đến giáo dục nhân cách, đạo đức cho sinh viên. Các trường sư phạm phải quay trở lại với việc đầu tư cho phòng công tác chính trị, góp phần đào tạo, hình thành nhân cách cho người thầy ngay trong môi trường sư phạm.q
 
 
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, cần siết chặt việc mở đào tạo ngành sư phạm; đổi mới chương trình đào tạo, trong đó chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức nhà giáo... Đặc biệt, phải có chính sách về lương, thưởng cho nhà giáo phù hợp với điều kiện xã hội để giáo viên yên tâm làm nghề, tập trung vào chuyên môn.