Hệ lụy từ phân luồng chưa chuẩn
Bà có thể giải thích về sự không phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực với thị trường lao động?
- Chúng ta đang chuyển đổi từ nước nông nghiệp sang công nghiệp, về nguyên tắc thì tỷ lệ công nhân kỹ thuật có trình độ CMKT sơ cấp đến bậc trung phải cao hơn bậc đại học (ĐH). Nhưng việc phân luồng trong tuyển sinh vừa qua cho thấy, có đến 3/4 học sinh tốt nghiệp THPT đi học ĐH. Việc này dẫn đến các hệ lụy như không đáp ứng được thị trường lao động; tốt nghiệp ra trường không có nhiều cơ hội việc làm, khả năng thất nghiệp cao hơn. Bản tin thị trường lao động quý II/2015 cho thấy, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tình trạng người tốt nghiệp ĐH chấp nhận làm những công việc trình độ thấp hơn.
Theo bà, cần giải pháp gì, nếu không chỉ vài năm nữa, các trường trung cấp có nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh được?
- Việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho mọi người về các ngành nghề trong thị trường lao động. Theo tôi, mục tiêu của người học nên được phân loại theo hướng: Nếu muốn có CMKT cao có thể chọn những trình độ cao, nhưng muốn có việc làm tốt thì phải là phân khúc thị trường hiện nay xã hội đang cần. Bên cạnh đó, hiện chúng ta đã có chính sách tạo điều kiện liên thông giữa các trình độ, nên học sinh tốt nghiệp THPT không nhất thiết là phải học ĐH ngay. Nhất là khi thị trường lao động đang có tín hiệu tiền lương của nhóm lao động trình độ trung cấp, giáo dục nghề nghiệp tăng. Thứ nữa, phân luồng phải phù hợp. Ví dụ, cơ cấu của thị trường lao động hiện tại chỉ yêu cầu có khoảng 20% lao động có trình độ ĐH trở lên, thì trong tuyển sinh nên phân luồng khoảng 40% vào giáo dục ĐH và 60% giáo dục nghề nghiệp. Có nghĩa là, điểm vào các trường ĐH phải ở mức 17 - 18 điểm, để họ đủ trình độ học ĐH và họ ra trường xứng đáng với tấm bằng ĐH. Còn khu vực trung cấp, chất lượng đầu ra phải tương xứng.
Thất nghiệp trình độ đại học sẽ tăng
Tại sao trong quý II, tỷ lệ lao động trong độ tuổi giảm nhẹ, nhưng trong thanh niên lại tăng lên thành 6,68%, thưa bà?
- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi phụ thuộc toàn bộ vào sự cân đối tương quan giữa cung - cầu. Tỷ lệ này giảm nhẹ là bởi cung đang giảm rất mạnh, trong khi cầu chững lại, vì vậy sức ép việc làm giảm. Còn thanh niên, cơ hội tìm được việc làm lại phụ thuộc vào khả năng của họ đối với thị trường lao động. Tôi thấy có một số nguyên nhân khiến thanh niên rất khó vào thị trường lao động. Thứ nhất, không có kinh nghiệm về thị trường lao động; thứ hai, trình độ đào tạo không tương ứng với yêu cầu thị trường. Tôi muốn nhấn mạnh nhóm trình độ ĐH không phải thất nghiệp tuyệt đối. Có nghĩa là những ai có nhu cầu đi làm đều tìm được việc, tất nhiên công việc chưa được như mong muốn với trình độ đào tạo. Cũng có những người học ĐH ra, nếu như chưa đủ trình độ ĐH hoặc không bảo đảm chất lượng ĐH lại muốn tìm công việc có CMKT tương đương thì dẫn đến thất nghiệp tăng lên. Tất nhiên, chúng ta phải tính đến nếu đào tạo nhân lực trình độ ĐH càng nhiều thì chắc chắn tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ này càng tăng.
Có nghĩa là xu hướng người tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp sẽ tiếp tục trong thời gian tới?
- Không thể nói như thế, vì trong kinh tế thị trường có rất nhiều điều chỉnh ngắn hạn. Hiện nay, chúng ta có hệ thống giáo dục liên thông và cuối năm nay, chúng ta vào ASEAN với 8 ngành nghề có trình độ được cam kết liên thông. Khi ấy, thị trường lao động có CMKT được mở ra rất nhiều. Và tôi không cho rằng, tỷ lệ lao động tốt nghiệp ĐH thất nghiệp gia tăng đặc biệt, mặc dù có xu hướng tăng nhẹ.
Vậy, theo bà, xu hướng thị trường lao động tới đây sẽ có gì đặc biệt?
- Theo tôi, năm 2015 là năm bản lề, bước ngoặt của thị trường lao động. Một khi cầu không tăng, cung tăng đột biến ở những nhóm không đi học, nội trợ - tức là nhóm dân số không hoạt động kinh tế tích cực, điều đó là tín hiệu khá tốt. Khi ấy, người đi học thì chất lượng nguồn nhân lực cao lên, cũng như sức ép thị trường lao động giảm. Một số nước, chẳng hạn như Australia phải dùng chiến lược đi học để điều tiết cung - cầu thị trường lao động để có sự thay đổi về chất lượng hơn là mở rộng về quy mô. Như thế mới là điều kiện để tăng năng suất lao động.
Xin cảm ơn bà!