Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo múa hiện đại: Chậm nhịp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chung dòng chảy của nghệ thuật múa thế giới, múa hiện đại đã "nhập cư" vào Việt Nam với sự hưởng ứng khá rõ nét của công chúng. Thế nhưng việc đào tạo nghệ thuật múa lại chậm nhịp so với yêu cầu - những người làm nghề đã thẳng thắn nhìn nhận như vậy trong cuộc bàn tròn dành cho múa diễn ra mới đây.

Múa hiện đại được đón nhận

 

Có vẻ như càng ngày múa hiện đại càng có ưu thế trong giới trẻ. Bằng chứng là các vũ công, từ chuyên nghiệp cho đến không chuyên, không ngừng khai thác các tư thế, động tác mạo hiểm, càng "độc", càng không giống ai càng… quý. Ở hầu hết các công viên tại Hà Nội đều có các lớp dạy nhảy, múa hoặc các nhóm tự tập với nhau. Theo biên đạo múa Nguyễn Thành Đức, thời gian đầu, do không được đào tạo bài bản, các vũ đoàn tiếp nhận và ứng dụng nguyên si với những tạo hình, động tác lố lăng, trang phục hở hang nên bị phê phán nhiều. Tuy nhiên, giờ đây họ đã dần tìm ra phương thức hoạt động, sáng tạo mới để không đi vào "vết xe đổ".
 Đào tạo múa hiện đại: Chậm nhịp - Ảnh 1
Đồng tình với ý kiến đó, NGND Phùng Hồng Quỳ - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Múa Việt Nam, cho rằng, trong chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" trên truyền hình, đa phần những người tham gia đều chưa qua trường lớp đào tạo, song múa say sưa, nhiệt tình, hết mình. Họ đã thể hiện các kỹ thuật khó như bê, đỡ, quay, nhảy một cách thuần thục. "Qua chương trình này, tôi thấy rất vui song cũng để lại cho tôi và những người làm công tác chuyên nghiệp về múa phải suy nghĩ làm thế nào cho những hoạt động này được phát huy một cách có bài bản" - ông Quỳ bày tỏ. Hay gần đây nhất, Liên hoan múa đương đại quốc tế Á - Âu diễn ra tại Hà Nội (từ 25 - 29/9), có nhiều tác phẩm xuất sắc như: "Lighting" của Đức phối hợp với Việt Nam, "Nấm Z" của Israel, "Luống cày" của Bỉ, "Underground" là tác phẩm kết hợp của hai biên đạo Việt - Pháp… đã được khán giả ở mọi lứa tuổi đón nhận với sự coi trọng nghệ thuật thực sự.

 

Tiềm năng chưa được phát huy

 

Thực tế cho thấy, múa không thiếu công chúng. Nhiều đoàn nghệ thuật trên thế giới từng "mơ" có những diễn viên trình độ cao như: Cao Chí Thành, Ngọc Văn hay Ngọc Anh… trong nhà hát của họ. Nhưng dường như các vũ công chuyên nghiệp và nổi tiếng này chưa có nhiều "đất dụng võ". Mặt khác, nếu như phong trào múa quần chúng ngày một mở rộng và trình độ ngày càng cao thì ngành múa Việt Nam dường như "dậm chân tại chỗ".

 

Để khắc phục tình trạng này, NGƯT Hoàng Điệp - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Múa Việt Nam, cho rằng: Nhà trường cần bổ sung những cán bộ quản lý, hướng dẫn về chuyên môn có trình độ đại học, hợp tác, xây dựng một số chương trình đào tạo liên thông, liên kết ở bậc đại học với Học viện nghệ thuật Quảng Tây. "Chúng ta đã có Khoa Múa nước ngoài, dạy các môn: Múa cổ điển châu Âu, múa DUO, múa tính cách, múa hiện đại… nhưng chưa có giáo trình. Vì thế, giải pháp tốt nhất hiện nay là biên dịch các tài liệu và giáo trình chuẩn mực của nước ngoài, biên tập lại cho phù hợp với Việt Nam để sớm đưa vào giảng dạy. Đồng thời phải có chính sách khuyến khích những những tài năng múa đỉnh cao" - Thạc sĩ Hà Trung Thu (trường Cao đẳng Múa Việt Nam) đề xuất. Bên cạnh đó, nhiều người trong nghề còn nhận thấy, cần bổ sung và "trẻ hóa" lực lượng giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học.