Không chỉ vậy, ngay cả các nhà báo làm việc tại các cơ quan báo chí cũng đã và đang được bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, công tác đào tạo báo chí càng trở nên cấp thiết.
Cần quy định “chuẩn người học” báo chí?
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, nhiệm vụ hàng đầu của việc đào tạo báo chí truyền thông là phải trang bị kiến thức nền tảng vững chắc để người làm báo có bản lĩnh, nhận diện thấu đáo vấn đề và truyền tải thông tin đến công chúng một cách chính xác, khách quan, nhân văn nhất. Có 4 yếu tố then chốt của việc đào tạo có tính chuyên nghiệp về báo chí truyền thông, đó là sự kết hợp hài hòa giữa nền tảng chính trị của chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức hiểu biết về văn hóa xã hội; kiến thức chuyên sâu về lý luận báo chí truyền thông, kỹ năng nghiệp vụ tác nghiệp và đạo đức báo chí.
Để xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại cần tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc mở ngành đào tạo báo chí, xuất bản, truyền thông, nâng chuẩn đào tạo ngành này theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Ngoài ra, cần có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan để cùng thảo luận và sớm ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ báo chí trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, của truyền thông kỹ thuật số…
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học có đào tạo ngành báo chí đang rất cách biệt; trong khi một số trường, điểm chuẩn ngành báo chí luôn thuộc tốp cao nhất thì có trường, điểm đầu vào ngành báo chí lại nằm trong nhóm ngành có điểm thấp nhất. Do đó, cần quy định ngưỡng bảo đảm đầu vào về năng lực học tập để đánh giá thí sinh có khả năng theo học và hoàn thành chương trình đào tạo ngành báo chí hay không, tương tự như quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho nhóm ngành sức khỏe, hay các ngành đào tạo giáo viên.
Còn PGS.TS Hà Huy Phượng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về 10 chữ “chuẩn” đào tạo, bồi dưỡng báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể là chuẩn: về cơ sở; về các bậc, hệ; về chương trình đào tạo; về giáo trình, bài giảng, học liệu; về đội ngũ giảng viên; về môi trường học thuật; về người học; về phương pháp dạy và học; về đầu ra và vị trí việc làm; về chủ trương, chính sách.
Đề cập rõ hơn “chuẩn người học”, PGS.TS Hà Huy Phượng cho rằng, báo chí truyền thông là ngành nghề đặc thù, đòi hỏi người học phải có năng khiếu, nhất là đối với đào tạo nghề báo chí. Nếu những người vào học các ngành đào tạo báo chí truyền thông được tuyển chọn qua hình thức sơ tuyển năng khiếu một cách bài bản, kỹ lưỡng, chắc chắn nhà trường sẽ có được những sinh viên đam mê học, rèn nghề và bảo đảm đạt chuẩn đầu ra và đáp ứng ngay ở các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.
“Hiện nay, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đều bỏ phần thi tuyển năng khiếu báo chí. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông” - PGS.TS Hà Huy Phượng bày tỏ.
Đào tạo, bồi dưỡng nhà báo số
Đề cập đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhà báo hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nêu rõ: theo dõi đời sống báo chí truyền thông nước ta hiện nay sẽ thấy, tại một số cơ quan báo chí, từ kỹ năng tác nghiệp của phóng viên đến công tác quản lý, điều hành chưa thực sự có có nhiều đột phá để thích ứng với môi trường chuyển đổi số báo chí. Không ít cơ quan báo chí vẫn hoạt động theo mô hình quản lý truyền thống.
Muốn chuyển đổi số báo chí phải có nhà báo số - những người làm báo với vốn kiến thức toàn diện; kỹ năng nghiệp vụ đa dạng; tư duy sáng tạo kết hợp với năng lực nhạy bén “học đi đôi với hành”; thích nghi với hoạt động quản lý kinh doanh và truyền thông đa phương tiện. Yêu cầu về nhà báo số đòi hỏi công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần thay đổi quan niệm và mô hình tổ chức; từ đó mới giúp nhà báo nâng cao năng lực trong tác nghiệp, thích nghi với xu thế phát triển mới. Việc kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường và bồi dưỡng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng, giúp các nhà báo được đào tạo lại, thích ứng với những công nghệ làm báo mới.
“Nên chăng xóa bỏ các vách ngăn giữa các chuyên ngành truyền thống, để người học có thể tích lũy kiến thức phong phú, có độ “rộng”, “sâu” và “tinh” về tư duy liên ngành, nắm bắt được các kỹ năng truyền thông số, liên ngành, đồng thời thích ứng với môi trường truyền thông mới” - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nêu quan điểm.
Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay, các cơ quan báo chí cần lựa chọn một vài phóng viên “cứng tay”, gửi đến các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, để các nhà báo có kinh nghiệm truyền thụ kỹ năng tác nghiệp hiện đại, giúp họ có thể “tác chiến đơn thương độc mã” trong môi trường truyền thông số.
Đào tạo nhà báo số có kỹ năng đa phương tiện là lựa chọn tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay. Lâu nay, khung chương trình đào tạo báo chí của nước ta vẫn lấy nhu cầu của các cơ quan báo chí truyền thông làm nền tảng, ví dụ chuyên ngành báo chí truyền thống chủ yếu đào tạo phóng viên chuyên tác nghiệp cho báo phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử…
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, các phương tiện truyền thông truyền thống từng bước chuyển sang mô hình số hóa, sự khác biệt các “phương tiện truyền thông” đã bị phá vỡ. Do đó, xây dựng một chương trình bồi dưỡng mới phù hợp với sự phát triển của truyền thông hội tụ đã trở thành bài toán quan trọng của các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay trên thế giới.
Đứng trước những thay đổi khách quan của sự phát triển hội tụ giữa các phương tiện truyền thông mới và các phương tiện truyền thông truyền thống, việc hợp nhất nguồn tài nguyên đào tạo, quy hoạch, xây dựng lại module chương trình, từ đó bồi dưỡng một đội ngũ nhà báo số “đa kỹ năng” là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh chuyển đổi từ kỷ nguyên in ấn sang kỷ nguyên số.
Những thay đổi của báo chí truyền thông trong thời đại số đã đặt ra yêu cầu đổi mới mục tiêu và phương pháp đào tạo báo chí truyền thông để tạo ra nguồn nhân lực mới. Giải pháp tốt nhất là hình thành mạng lưới đào tạo báo chí gồm ba chân kiềng: cơ sở đào tạo (các trường đại học - cao đẳng), các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ liên quan đến báo chí - truyền thông. Ba chân kiềng này sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau…
Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ,
TP Hồ Chí Minh