Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ), Cục Báo chí (Bộ TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Tham dự hội thảo có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; đại diện các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các cơ quan báo chí TƯ và địa phương.

Đoàn chủ trì hội thảo.
Đoàn chủ trì hội thảo.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí

Đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu thực tế: Hiện công tác hoạt động đào tạo báo chí - truyền thông diễn ra dưới nhiều hình thức, từ đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng đến đào tạo nội bộ ngay trong các cơ quan báo chí - truyền thông.

Trên cả nước hiện có 9 cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông chủ lực là các trường đại học, học viện công lập… Ngoài ra, còn có các cơ sở dân lập, trường liên kết quốc tế đào tạo ngành truyền thông, quan hệ công chúng, quảng cáo - những lĩnh vực gần với đào tạo báo chí.

Hội thảo nhận được 62 tham luận của nhiều lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành TƯ và địa phương.
Hội thảo nhận được 62 tham luận của nhiều lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành TƯ và địa phương.

Đào tạo chính quy báo chí - truyền thông ở Việt Nam gồm nhiều cấp học, trình độ khác nhau từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ đến cao nhất là tiến sĩ. Bên cạnh đó còn có các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ báo chí - truyền thông, nghiệp vụ quản lý báo chí - truyền thông…

Thời gian qua, các trường đào tạo báo chí - truyền thông có sự đổi mới về tư duy đào tạo, chú trọng thiết kế nội dung, chương trình bám sát yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhu cầu của thực tiễn xã hội, chú trọng đến việc lồng ghép các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cần có của người làm báo chí - truyền thông hiện đại.

Cùng với đó, khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được sắp xếp khoa học, hợp lý, bài bản, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đáp ứng yêu cầu cụ thể của chuyên ngành đào tạo.

Việc thực hành, thực tế nghề nghiệp cho người học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ngày càng được chú trọng, nhằm bổ sung cập nhật kiến thức mới, kỹ năng thực hành báo chí, xuất bản, truyền thông hiện đại.

Qua đó góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông thế hệ mới, có phẩm chất chính trị vững vàng, thành thạo về kỹ năng, tinh thông về nghiệp vụ, thích ứng ngày càng tốt hơn và nhanh hơn với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Tuy nhiên, công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay cũng đối diện nhiều thách thức, khó khăn. Việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam là rất cần thiết.

Đào tạo, bồi dưỡng nhà báo số

Hội thảo nhận được 62 tham luận của nhiều lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành TƯ và địa phương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí cả nước.

Tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí và vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí số”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đặt ra một số vấn đề quan trọng về đào tạo báo chí trong giai đoạn chuyển đổi số; trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà báo số.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tham luận tại hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tham luận tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho biết, từ kỹ năng tác nghiệp của phóng viên đến công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan báo chí hiện chưa có sự đột phá nhiều để thích ứng với môi trường chuyển đổi số báo chí. Không ít cơ quan báo chí vẫn hoạt động theo mô hình quản lý truyền thống.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông khiến hội tụ truyền thông trở thành xu thế phát triển tất yếu của báo chí hiện đại. Trong bối cảnh đó, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo số là công việc cần thiết, cấp bách hơn bao giờ hết.

Nhà báo số với vốn kiến thức toàn diện; kỹ năng nghiệp vụ đa dạng; tư duy sáng tạo kết hợp với năng lực nhạy bén: “học đi đôi với hành”; thích nghi với hoạt động quản lý kinh doanh và truyền thông đa phương tiện. Với những yêu cầu đó đòi hỏi công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần thay đổi quan niệm và mô hình tổ chức mới có thể giúp nhà báo nâng cao năng lực trong tác nghiệp, thích nghi với xu thế phát triển mới.

Việc kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường và bồi dưỡng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng, có thể giúp nhà báo được đào tạo lại, thích ứng với những công nghệ làm báo mới.

"Trong bất cứ môi trường nào, đào tạo đội ngũ người làm báo năng động, giỏi tác nghiệp trong thực tiễn là mục tiêu của ngành báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho nhà báo số đã trở thành con đường phát triển tất yếu, cần chiến lược đào tạo bài bản và lâu dài. Mục đích cuối cùng là đào tạo ra những người làm báo gắn thực tiễn với đời sống báo chí và họ không phải chỉ là “đánh trận trên giấy”, mà cần có vốn kiến thức sâu rộng, kỹ năng tác nghiệp “đa năng”" - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Cần có quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành báo chí - truyền thông".
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Cần có quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành báo chí - truyền thông".

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, ngoài việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, các cơ sở đào tạo cũng cần dành thời gian nhất định để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên trong trường đại học, định vị hướng phát triển cho ngành báo chí, khuyến khích các giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

Trên cơ sở mục tiêu xây dựng thành một “hệ thống module mang tính hội tụ liên ngành”, gồm: Hội tụ trong giảng dạy, lý thuyết và thực tiễn, hội tụ về kỹ năng báo chí, kinh doanh và quản lý các phương tiện truyền thông. Giữa nội dung trong các module có thể sử dụng chung nguồn tài nguyên sẵn có và cần có một hệ thống mở linh hoạt hơn, giúp chương trình đào tạo phát triển phù hợp với sự phát triển của các phương tiện truyền thông...

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề về việc cần thiết có quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành báo chí, tương đương ngành đào tạo sức khỏe và đào tạo giáo viên bởi có hiện tượng điểm chuẩn vào các trường báo còn chênh lệch lớn.

"Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị để thảo luận, sớm ban hành chương trình đào tạo phù hợp với bối cảnh mới; xây dựng khung chương trình với ngành báo chí; trang bị kỹ năng số cho sinh viên; gắn đào tạo báo chí chất lượng cao với nghiên cứu chiều sâu báo chí…" - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.

Với 2 phiên tham luận và thảo luận bàn tròn, Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng về lý luận, thực tiễn về vấn đề đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí nói riêng, xây dựng nền báo chí truyền thông “chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại”.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ đã tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có báo chí - truyền thông. Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông để phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại; đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của nền báo chí - truyền thông nước nhà...

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh