Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Hội thảo Văn hóa 2024 là diễn đàn để tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao về việc thực hiện chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc huy động, bố trí nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa thể thao như: Công tác quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao (đất đai, các loại hình thiết chế...); nguồn lực cho thiết chế văn hóa (nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất); quản lý, khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao…
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc, Hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Hội thảo Văn hóa 2024 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và liên quan tới văn hóa, thể thao.
Hội thảo gồm 2 phần. Phần tham luận, Hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo trung tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, tham luận của các chuyên gia về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
Phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn sẽ tập trung vào 2 nhóm nội dung chính: thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao; thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
Thời gian qua, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong các thiết chế văn hoá, đặc biệt là thiết chế nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên chưa có sự đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Các hoạt động tại một số thiết chế văn hoá còn đơn điệu, chủ yếu dừng lại ở hoạt động hội họp... Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hóa còn thiếu những cán bộ văn hoá có chuyên môn chuyên sâu và tâm huyết với nghề…
Từ thực tế này cho thấy, việc đảm bảo chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hoá ngày càng được kiện toàn, làm thoả mãn tốt nhất nhu cầu văn hoá của người dân. Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm.