"Trong nhiều năm qua, TP Hà Nội đã có những chính sách cụ thể đối với các học sinh, sinh viên khi tham gia học nghề. Trước hết là chính sách miễn giảm học phí trình độ TC, CĐ đối với học sinh, sinh viên thuộc nhóm ưu tiên. Cụ thể, đối tượng lao động mất đất nông nghiệp, lao động nông thôn, lao động là người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ trở về địa phương được hưởng chính sách hỗ trợ học phí. Học sinh tốt nghiệp THCS vừa học văn hóa, vừa học nghề thì được miễn phí học nghề trình độ TC. Ngoài ra, TP còn có chính sách cho vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất thấp, rất ưu đãi để các em có tiền đi học nghề. Sau khi học nghề xong, học sinh, sinh viên được tham gia giới thiệu việc làm miễn phí ở các sàn, điểm giao dịch việc làm tại các quận, huyện trên toàn TP." - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn "Năm 2020 công tác tuyển sinh của trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội thuận lợi hơn do Bộ LĐTB&XH, Tổng cục GDNN và Sở LĐTB&XH Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của việc học nghề và văn hóa theo mô hình 9+. Đến ngày 9/9, trường đã tuyển được 725 học sinh vượt chỉ tiêu 5%, trong đó đối tượng học hết lớp 9 chiếm 93%. Những ngành thế mạnh và hot của trường thu hút học sinh là Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, May thời trang, Điện công nghiệp, Công nghệ cơ khí, Kỹ thuật sơn mài khảm trai... Nhà trường cam kết giới thiệu việc làm, mức lương tháng tùy theo nghề từ 6 - 10 triệu đồng. Nhờ đào tạo có chất lượng và thương hiệu nên 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm. Để công tác đào tạo nghề thu hút người học chương trình 9+, Nhà nước cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích kép khi theo học; đồng thời có thêm chính sách hỗ trợ kinh phí như miễn giảm học phí học văn hóa đối với học sinh hết lớp 9 đi học nghề (ngoài việc miễn học phí học nghề theo Nghị định 86). Như thế, sự phân luồng sẽ hiệu quả hơn và giải quyết nhanh được tình trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay." - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng |
Đào tạo nhân lực có kỹ năng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia
Kinhtedothi - Dự kiến điểm chuẩn vào các trường đại học (ĐH) năm 2020 sẽ tăng cao hơn năm trước. Nhận thức của xã hội về học nghề vẫn đang thay đổi, dù các trường ĐH chưa xét tuyển nhưng có không ít học sinh đã đăng ký đi học trường nghề.
Trong khó khăn có thuận lợi
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm nay công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng (CĐ) bị chậm tiến độ. Cộng với việc, Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn ĐH, thí sinh được đăng ký không hạn chế nguyện vọng thì việc trúng tuyển ĐH càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Khắc phục khó khăn, nhiều trường CĐ đã tuyên truyền học nghề qua website, fanpage của nhà trường, báo đài, mạng xã hội, tư vấn online, những người đã và đang học nghề giới thiệu tới bạn bè.
Ngoài ra là sự hỗ trợ của quảng bá tuyên truyền, tổ chức tư vấn hướng nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Cộng với việc tác động của dịch Covid-19, nhiều DN thiếu đơn hàng đã phải cho nhiều lao động không có kỹ năng nghỉ việc, khiến mọi người phải suy nghĩ về học nghề. Bởi vậy, trong tình cảnh khó khăn các trường nghề cũng có thuận lợi trong công các tuyển sinh.
Chia sẻ về công tác tuyển sinh, Hiệu trưởng trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội Nguyễn Khắc Kiểm cho biết: Đến đầu tháng 9/2020, công tác tuyển sinh của nhà trường diễn ra rất tốt với lượng thí sinh quan tâm rất đông. Nhà trường đã xét tuyển xong 2 đợt với 35% chỉ tiêu từ nguồn thí sinh tốt nghiệp THPT năm trước, nhưng lượng hồ sơ đăng ký gấp 1,5 lần.
Ngày 15/9, trường sẽ xét tuyển đợt 3 theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, hiện nay đã có nhiều em tìm hiểu về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm và nộp hồ sơ. Nhìn điểm sơ bộ hồ sơ nộp, chúng tôi nhận thấy khá nhiều thí sinh có điểm thi cao. Năm nay trường có 1.800 chỉ tiêu, xét điểm theo từng nghề, lấy từ trên xuống đến khi đủ.
Chất lượng đào tạo có uy tín, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng các trường CĐ có thương hiệu khác vẫn thu hút được thí sinh. Đơn cử, trường trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội nhận được hơn 600 hồ sơ trên tổng số 1.100 chỉ tiêu trình độ CĐ và hơn 200 thí sinh tốt nghiệp THCS nhập học theo mô hình 9+.
“Năm nay, điểm thi tốt nghiệp cao hơn, có những em đạt tới 24, 25 điểm vẫn đăng ký học nghề của trường, chứng tỏ đã quyết tâm lựa chọn ngay từ đầu, chứ không phải cuối cùng” - Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường nhận định. Trong tổng số 1.200 chỉ tiêu CĐ, đến ngày 4/9, trường CĐ Cơ điện Hà Nội nhận được khoảng 700 thí sinh quan tâm và đăng ký tuyển sinh, nhập học. Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc thông tin, nhà trường tuyển sinh và nhập học tập trung vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số nghề đã gần hết chỉ tiêu như Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Cơ điện tử.
Nhiều ngành nghề "hot" hút thí sinh
Vừa đăng ký nhập học vào trường CĐ Cơ điện Hà Nội với số điểm thi tốt nghiệp THPT là 19, tân sinh viên Lưu Đắc Đài đến từ huyện Yên Mô, Ninh Bình chia sẻ: “Ngay từ năm học lớp 9 em đã thích học nghề điện. Em đã lên các trang web tìm hiểu và nhận thấy nghề Điện công nghiệp của trường CĐ Cơ điện Hà Nội có việc làm tốt nên đã quyết định lựa chọn”. Tân sinh viên Điêu Chính Thắng đến từ huyện Cò Nòi, Sơn La, chọn học nghề Điện của trường vì có nhiều tiềm năng phát triển và lại được ký cam kết có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Điều phấn khởi, năm nay, nhiều thí sinh có điểm thi từ 19 - 26 đã đăng ký nhập học vào những ngành "hot" của các trường CĐ, CĐ nghề. Theo Hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc, năm học này nhà trường tuyển sinh 2 nghề đào tạo song hành cùng Công ty Ô tô Vinfast là Cơ điện tử và Công nghệ Ô tô theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Nhà trường kiểm tra năng lực đầu vào nhằm lựa chọn những tân sinh viên có ý thức, năng lực tương lai, đam mê nghề nghiệp.
Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cũng đã ký đào tạo song hành với Công ty Ô tô Vinfast ở nghề Cơ điện tử và Công nghệ ô tô. Thế mạnh nhất của nhà trường đang được các công ty, DN tuyển dụng nhân lực nhiều ở 3 khối ngành Cơ khí, Điện và Công nghệ ô tô. Các DN nhỏ tuyển nhiều lao động nghề Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật, Cơ khí. Các khối ngành khác cũng rất dễ tìm việc làm, thu nhập khá nhưng chưa được nhiều thí sinh quan tâm nhiều như Công nghệ Hàn, Cắt gọt kim loại. Còn tại trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội ngành nghề hấp dẫn đang thu hút nhiều thí sinh vẫn là Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ thông tin.
Với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều trường CĐ, CĐ nghề đang dần chuyển hướng rất mạnh đào tạo những gì thị trường cần, đặc biệt là những nghề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ 4.0. Các trường cũng xác định điều cốt lõi vẫn phải có tay nghề vững để thích ứng. Vì thế, bên cạnh phối hợp với các DN trong các khâu, nhiều trường đã điều chỉnh chương trình đào tạo nghề trong xu hướng mới bằng cách tăng cường thời lượng CNTT, ngoại ngữ và kỹ năng đổi mới sáng tạo.
Và để thu hút người học, nhiều trường như CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, CĐ Cơ điện Hà Nội... thực hiện ký cam kết có việc làm khi người học tốt nghiệp với các mức thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng, tùy theo ngành nghề. Thực tế, nhiều sinh viên học năm cuối đã được DN tuyển dụng với mức lương khá cao. Đến lúc nhà trường trao bằng tốt nghiệp kết hợp tổ chức ngày hội việc làm thì nhiều DN không còn nguồn để tuyển.
Tuy nhiên, có trường thay vì ký kết việc làm đã chọn hướng tạo cho sinh viên có động lực vươn lên bằng cách thường xuyên kết nối với DN để từ năm học thứ 2 sinh viên đã được tiếp xúc, thấy cơ hội việc làm rất nhiều và phải cố gắng học tập.
Trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội đã thực hiện cách làm đó, kết quả là sau 3 tháng nhận bằng tốt nghiệp, 70% số sinh viên có việc làm đúng nghề đào tạo với các mức lương tháng từ 7 - 12 triệu đồng.