Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo nhân lực quá trình phát triển đô thị

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, nguồn nhân lực cho công tác quản lý, quy hoạch đô thị đều được đào tạo theo hướng đơn ngành, cục bộ theo từng lĩnh vực khác nhau.

Từ đó, dẫn đến tình trạng khó kết hợp trong định hướng phát triển, tổ chức không gian hoạt động, xây dựng và quản lý. Do vậy, đào tạo nhân lực chất lượng cao được xem là vấn đề cấp thiết cho quá trình phát triển đô thị.

Đô thị hóa tất yếu để phát triển

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ nhiệm khoa các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội), đô thị hóa được bắt đầu từ quá trình công nghiệp hóa, là bộ phận quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đô thị hóa giúp cho quốc gia tái cấu trúc lại nền kinh tế và tổ chức lại không gian cư trú cho dân cư.
 Quá trình đô thị hóa đặt ra nhu cầu cấp thiết là phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác quản lý
Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á, mỗi năm có thêm khoảng 1,3 triệu dân số đô thị, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước. Sự gia tăng về dân số đô thị kéo tất cả các nguồn lực khác theo đô thị hóa. Riêng ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dân số chiếm tới trên 30% dân số đô thị cả nước.

Những năm gần đây, đô thị có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Kinh tế đô thị đóng góp 70 – 75% GDP của quốc gia và tạo điều kiện cho một cộng đồng lớn dân cư thoát nghèo.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – nguyên Cục Trưởng Cục hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị cao gấp từ 1,5 – 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước, GDP chiếm tới 3/4 tổng thu của cả nước. “Đây là những điểm chính để khẳng định đô thị hóa là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội nói chung và kinh tế của Việt Nam nói riêng” - PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ.

Nhân lực chất lượng cao – chìa khóa đổi mới

Báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2017, Việt Nam có trên 805 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa trung bình trên cả nước là 37%. Dự báo đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 1.000 đô thị, tốc độ đô thị hóa đạt 50%, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1998.

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa thường xuyên biến động, vấn đề đô thị hóa khó thực hiện và liên kết với nhau. Vì vậy, đô thị là một đối tượng cần phải nghiên cứu và đào tạo ra nguồn nhân lực mới mang tầm quốc gia để đáp ứng với sự phát triển.

“Việt Nam bắt buộc phải phát triển một hệ thống các đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong việc chống chịu, phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị” - PGS. TS Nguyễn Hồng Thục nói.

Trên thực tế, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý phát triển đô thị tại Việt Nam đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, nên khó có thể thống nhất về chiến lược và phân bổ nguồn lực cho phát triển chung của quốc gia, làm hạn chế sức sáng tạo và sự liên kết trong quá trình phát triển đô thị.

Những hạn chế này cần được khắc phục thông qua việc trang bị những phương pháp, công cụ mới. Đặc biệt là nguồn nhân lực mới cần phải được đào tạo theo hướng liên kết đa ngành để phát triển đô thị và vùng đô thị.

“Đô thị là một thể thống nhất về không gian và tổ chức các hoạt động, như: kinh tế, xã hội, phân bổ tài nguyên, môi trường sống... Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức đa ngành được coi là chìa khóa cho quá trình đổi mới của đô thị” - PGS. TS Nguyễn Hồng Thục cho biết thêm.
"Đô thị là sản phẩm chung của xã hội mang tính đa ngành, đa lĩnh vực. Thiếu vắng sự phối hợp đa ngành hay quản lý mang tính liên ngành, đô thị như bản giao hưởng thiếu “người nhạc trưởng” để quán xuyến chung, làm mất đi vẻ đẹp và sự sáng tạo có tính tự nhiên của nó." - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – TS. KTS Trương Văn Quảng