Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Cộng hòa Iran (IRIB) hôm 28/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh: “Các lựa chọn của Cộng hòa Hồi giáo Iran rất nhiều, và chính quyền đất nước đang cân nhắc chúng, và rút khỏi NPT là một trong số lựa chọn đó.
Trước đó, hôm 22/4, chính quyền Mỹ đã yêu cầu các đối tác ngừng mọi hoạt động trao đổi với Iran trước tháng 5, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, qua đó chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt vốn cho phép 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, chủ yếu là các quốc gia châu Á.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ cũng tái áp đặt toàn bộ lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc thế giới. Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn hôm 28/4, Ngoại trưởng Zarif khẳng định rằng Iran chưa bao giờ hoan nghênh các lệnh trừng phạt trong 40 năm qua, song cũng đã nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa các lệnh cấm vận.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters hôm 25/4, ông Zarif cho biết Iran sẽ nỗ lực hết sức để xuất khẩu dầu thô sau khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Hiệp ước NPT - đi vào thực hiện năm 1970 và được kéo dài vô hạn định từ năm 1995 – nhằm mục đích ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí, khuyến khích giải trừ vũ khí hạt nhân và sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.
Quan hệ giữa Iran và Mỹ leo thang căng thẳng sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục trừng phạt đối với Tehran hồi tháng 5 năm ngoái. Chính quyền Mỹ đã liệt Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran là tổ chức khủng bố nước ngoài.