Vốn là kỹ sư nông nghiệp, anh Trình, chồng chị Giang là người đã mạnh dạn đưa hoa ly vào trồng thử nghiệm tại Viện Di truyền Nông nghiệp từ năm 1994 - 1995 nhưng đã thất bại vì không cạnh tranh được với hoa Đà Lạt.
Đến năm 2006, anh chị đã thuê 10.900m2 đất xấu dưới cơ đê thôn Chi Nam để trồng hoa, trong đó có 300m2 trồng hoa ly.Dẫu biết "vạn sự khởi đầu nan" nhưng vợ chồng chị Giang đã gặp khó khăn trăm bề vì khu đất thuê bị bỏ hoang hóa đã lâu nên rất cằn cỗi, hệ thống kênh mương chưa có...
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Giang, thôn Chi Nam, xã Lệ Chi thu hoạch hoa ly.
Thấy vợ chồng chị làm lụng vất vả, Hội Nông dân xã cũng cho vay 60 triệu đồng để gia đình chị đầu tư cải tạo đất. Năm 2012, Trung tâm khuyến nông TP và huyện hỗ trợ vợ chồng anh chị 20.000 củ giống hoa ly để mở rộng mô hình trồng ly. Nhờ đó, tổng diện tích trồng hoa ly của gia đình chị đã tăng lên 2.500m2 và diện tích trồng các loại hoa khác, như hoa cúc vàng pha lê Hà Lan, hoa tuy líp… cũng được tăng lên đáng kể.
Để có trang trại hoa đẹp, có giá trị kinh tế cao, ngoài việc gặp gỡ học hỏi kinh nghiệm từ vùng hoa Tây Tựu (Từ Liêm), vợ chồng chị Giang còn lên mạng tra cứu tài liệu rồi ngày đêm kề cận bên hoa để tìm hiểu đặc tính từng loài. Từ đó, từng bước nâng cao hiệu quả mô hình trồng hoa trên vùng đất bạc màu.
Chị cho biết, trung bình mỗi sào trồng hoa đầu tư vài chục triệu đồng, riêng hoa ly đầu tư lên tới gần 100 triệu đồng. Sau khoảng 100 ngày, hoa ly cho thu hoạch. Với giá bán như hiện nay từ 22.000 - 25.000 đồng/cành thì một sào hoa ly cho thu nhập 135 triệu đồng, nếu bán hoa vào đúng dịp Tết thì thu nhập cao hơn.
Từ sự mạnh dạn và đam mê với cây hoa ly, vợ chồng chị Thanh Giang đã biến đất hoang hóa, đất bạc màu phải "nở ra vàng", vừa làm giàu chính đáng, vừa giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời góp phần làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của nhiều nông hộ về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một xã thuần nông xa trung tâm huyện. làm cho lao động nông thôn.