Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt Lịch sử đúng vị trí, dạy và học mới hiệu quả

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Nhân Kỷ niệm 65 năm thành lập Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1951 - 2016), PGS.TS Đào Tuấn Thành - Trưởng Khoa Lịch sử đã chia sẻ khá tâm huyết với báo Kinh tế & Đô thị về phương pháp dạy môn học này thời kỳ hội nhập.

Lịch sử giáo dục lòng yêu nước
Thưa ông, trong quá trình xây dựng và phát triển, bên cạnh việc tập trung vào nghiên cứu khoa học cơ bản, Khoa Lịch sử đã có những đóng góp như thế nào ở mảng khoa học giáo dục?
Từ trước đến nay, nghiên cứu khoa học giáo dục của Khoa Lịch sử rất được chúng tôi coi trọng. Nhiều thế hệ các thầy cô tham gia với Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK), viết sách bồi dưỡng giáo viên, tài liệu tham khảo môn Lịch sử. Cố GS.TS Phan Ngọc Liên - Chủ tịch Hội đồng khoa học môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT là người rất coi trọng việc này. Những năm gần đây, truyền thống nghiên cứu khoa học giáo dục tiếp tục được duy trì. Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhất là trong dạy và học môn Lịch sử, các thầy cô không chỉ tư vấn chính sách cho Bộ GD&ĐT, mà còn phản biện để môn học này được đặt đúng vị trí của nó là độc lập, bắt buộc, dạy chính khóa. Điều này thật sự cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, môn Lịch sử cần thể hiện rõ vai trò giáo dục lòng yêu nước cũng như bài học thành công và thất bại của cha ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tôi muốn nhấn mạnh, thời kỳ hội nhập, không môn học nào có thể thay được vai trò và vị trí của Lịch sử trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, lòng tự tôn dân tộc. Làm sao để người Việt Nam hòa nhập vào Cộng đồng ASEAN và quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc? Chúng ta phải làm cho thế hệ trẻ hiểu hết được những đóng góp to lớn, hy sinh xương máu của thế hệ cha ông để có nền hòa bình và độc lập, cuộc sống thanh bình và điều kiện phát triển kinh tế như hiện nay. Thế hệ trẻ dường như không hiểu hết công lao của các thế hệ đi trước để thấy trách nhiệm dân sự của bản thân bây giờ. Vì thế, môn Lịch sử cùng với các môn học khác ở trường phổ thông phải làm nhiệm vụ này. Nếu để Lịch sử là môn tự chọn, không đúng với vị trí, vai trò của nó sẽ dẫn đến thế hệ trẻ "mù" về lịch sử dân tộc, rất nguy hiểm.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017, Lịch sử là một phân môn nằm trong bài thi Khoa học xã hội, theo hình thức trắc nghiệm, liệu có bao quát được chương trình lớp 12?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, với 40 câu hỏi trắc nghiệm khó bao quát được hết lịch sử dân tộc. Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục phát triển năng lực tư duy và phẩm chất của người học, môn Lịch sử chỉ nên thi trắc nghiệm một phần. Ví dụ, bài thi Lịch sử 100 điểm có khoảng 30 điểm trắc nghiệm, còn lại 70 điểm tự luận. Trắc nghiệm có mặt mạnh nhưng chúng ta cần năng lực tư duy của học sinh, cũng như khả năng phân tích đánh giá bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử và quy luật của nó. Vì thế, không thể đưa ra các đáp án đúng, sai để học sinh lựa chọn. Một điều quan trọng là Bộ GD&ĐT có chọn được người ra đề theo mục tiêu mình muốn hướng đến hay không. Và, phải đảm bảo tính công bằng, phù hợp giữa các vùng miền song vẫn phân hóa được trình độ học sinh. 
Học Lịch sử để tiếp thu tri thức
Theo ông, khi làm chương trình và SGK mới, làm thế nào để môn Lịch sử được học sinh hào hứng đón nhận?
  - Chương trình và SGK chỉ là một yếu tố liên quan đến hứng thú học tập của học sinh đối với môn Lịch sử, môn học có hay hay không là do cách dạy của thầy cô. Vài năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT ra đề thi THPT quốc gia không hoàn toàn đòi hỏi học sinh nhớ sự kiện lịch sử mà quan trọng là hiểu bản chất của chúng. Học lịch sử, tất nhiên phải nhớ sự kiện nhưng không yêu cầu học sinh nhớ máy móc tất cả, chỉ những sự kiện lớn, trọng đại có tính bản chất phải nắm được. Chẳng hạn, khi nói đến Cách mạng Tháng Tám, các em phải biết diễn ra năm 1945... Bộ nên giao nhiều hơn quyền tự chủ cho các thầy cô trong việc dạy và đánh giá quá trình học tập của học sinh thay vì áp đặt theo khuôn mẫu.
Điều quan trọng nhất ở các cấp học đạt được những mục tiêu khác nhau. Cấp THCS, học sinh nắm được cái cơ bản nhất của lịch sử Việt Nam và thế giới ở từng thời điểm, mang tính hệ thống. Lịch sử không chỉ là của hiện tại, thế kỷ XX mà trước đó có nhiều điều đáng để ghi nhớ. Lịch sử của chúng ta là liên tục, quá trình chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước. Chúng ta mới có hòa bình hơn 40 năm trong khi chiến tranh quá nhiều, nhưng tại sao dân tộc vẫn trường tồn và bản sắc dân tộc luôn được giữ vững? Đó là nhờ tinh thần, truyền thống yêu nước và bản sắc của người Việt được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Vì thế, chúng ta cần dạy cho học sinh những cái cơ bản nhất về truyền thống dân tộc, qua đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc và các em thấy được trách nhiệm của mình.
Đối với học sinh THPT đã có định hướng nghề nghiệp thì phân ra thành các đối tượng khác nhau để dạy Lịch sử. Các em thiên về lĩnh vực khoa học xã hội phải học rất tốt và cẩn thận môn Văn, Sử, Địa, bởi có sự liên ngành với nhau. Học sinh chọn khoa học tự nhiên thì học Lịch sử nhẹ hơn. Cho dù các em thiên về khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên thì luôn cảm thấy vừa sức và hứng thú khi học môn Lịch sử. Và việc dạy học sinh ở thành thị khác với nông thôn, miền núi. Không phải chúng ta phân biệt, mà bởi điều kiện học tập ở mỗi nơi khác nhau nên không thể làm chương trình cào bằng. Cũng nên cân đối các phần giữa lịch sử dân tộc và địa phương. Trước hết phải giúp các em tự hào về nơi mình đang sinh sống, thấy được sự đóng góp của địa phương cho lịch sử dân tộc. Từ đó liên hệ đến bản thân mình sau này sẽ làm gì để góp phần xây dựng đất nước….
Khi mục đích của giáo dục là phát triển năng lực tư duy của học sinh, vai trò của người thầy sẽ thay đổi ra sao trong việc dạy Lịch sử, thưa ông?
 - Trước khi nói đến vai trò của người thầy, tôi nhấn mạnh, muốn dạy và học tốt Lịch sử thì môn học này phải đặt đúng vị trí của nó. Lịch sử là môn khoa học nên phải dành thời gian thích đáng cho nó. Từ người quản lý đến phụ huynh, học sinh phải rõ vị trí, vai trò của môn Lịch sử. Nội dung học và kiểm tra đánh giá phải đồng bộ với nhau để tránh đối phó. Và, phải nhận thức học Lịch sử để tiếp thu tri thức. Môn học Lịch sử là giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống dân tộc nên việc dạy không nên bị cắt xén chương trình, trong giờ học có “lửa” thì học sinh sẽ rất hào hứng.
Cho dù cách dạy học Lịch sử có khác thì vai trò của người thầy không thể phủ nhận. Quan trọng là thầy cô hướng dẫn học sinh xác định những nội dung cốt lõi cần nắm vững, không chỉ dạy ở trong trường phụ thuộc vào SGK mà cả bên ngoài. Người thầy chỉ cho học trò chọn sách tham khảo, biết phê phán những tài liệu nói không đúng về lịch sử dân tộc. Sự tương tác giữa người thầy và trò là yếu tố không thể thiếu trong mỗi giờ học. Thầy có giỏi mấy mà trò không tích cực tham gia một cách chủ động lĩnh hội kiến thức thì dù có thay đổi phương pháp cũng không thành công. Công nghệ thông tin chỉ là một công cụ hỗ trợ, biện pháp làm cho giờ học Lịch sử sinh động hơn chứ không thể thay thế người thầy.
Xin cảm ơn ông!