Đây là hoạt động hiệu quả, thiết thực của Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2020 giữa Sở VHTT&DL, Sở Du lịch 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lào Cai.
Giám đốc Sở VHTT&DL Điện Biên Phạm Việt Dũng cho biết, năm 2017 lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng 25% so với năm 2016, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 950 tỷ đồng, tăng 33,8%. Hoạt động du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động; trong đó có hơn 5.000 lao động trực tiếp. Để đạt được những con số đó có sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch và nhất là sự đóng góp rất tích cực của các đơn vị kinh doanh lữ hành trong cả nước, trong đó TP Hà Nội đóng vai trò quan trọng.
Điện Biên có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc, tiêu biểu như: Tháp Mường Luân, Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ và đặc biệt là quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ - di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt năm 2009 gắn với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Du lịch văn hóa với 19 dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa vật thể và văn hoá phi vật thể; Cùng với đó là các lễ hội độc đáo, những món ăn đặc sản mang đậm nét vùng Tây Bắc.
Cùng với đó, du lịch sinh thái có: Hồ Pá Khoang, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Điểm cực Tây tổ quốc ngã ba biên giới A Pa Chải, Rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa, hang động Xá Nhè ... các điểm khoáng nóng Hua Pe, U Va (huyện Điện Biên), bản Sáng (huyện Tuần Giáo), hồ thủy điện Sơn La tại khu vực thị xã Mường Lay...
Các điểm du lịch tâm linh thu hút du khách gồm: Các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao), Đền Hoàng Công Chất, Điểm văn hóa Linh Sơn, Linh Quang. Hiện nay đang chuẩn bị cho đầu tư các dự án xây dựng Tượng đài Thanh niên xung phong Điện Biên Phủ tại huyện tuần Giáo, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng, Công trình văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi E2.
Hiện nay, Điện Biên có 142 cơ sở lưu trú (trong đó có 19 khách sạn từ 1 đến 4 sao), trên 150 nhà hàng, 10 bản văn hóa du lịch có khả năng đáp ứng được tối thiểu nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Cùng với đó, Điện Biên sẽ nâng cấp sân bay với quy mô lớn hơn.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, qua Hội nghị này, Sở Du lịch Hà Nội và Sở VHTT&DL Điện Biên mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các DN du lịch; từ đó, xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch chất lượng kết nối Hà Nội với Điện Biên và các tỉnh, TP khác trong nước cũng như quốc tế nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, đồng bào hai địa phương.
Tối cùng ngày, Sở VHTT&DL Điện Biên tổ chức Lễ khai mạc chương trình giao lưu, giới thiệu quảng bá văn hóa, du lịch Điện Biên tại khu vực tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và phụ cận.
Chương trình diễn ra đến hết ngày 21/1 với một số nội dung hoạt động chính gồm: Giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch Điện Biên; Trưng bày, triển lãm ảnh đẹp du lịch Điện Biên; Chiếu phim lưu động; Giao lưu chụp ảnh cùng Người đẹp Hoa Ban 2017 và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên;…
Các hoạt động sẽ tập trung giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người Điện Biên Phủ anh hùng, quảng bá đặc trưng, thế mạnh về văn hóa và du lịch tỉnh Điện Biên, đặc biệt là Lễ hội Hoa Ban đến với du khách và Nhân dân Thủ đô.