Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt quyền lợi của người dân làm trung tâm

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tục loằng ngoằng, lúc vào ở lại lo chất lượng, hạ tầng “điện, đường, trường trạm”, chưa kể nguy cơ khi gặp chủ đầu tư nhập nhèm trách nhiệm tài chính với cơ quan quản lý... đã trở thành định kiến sâu xa khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư.

Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nhiều năm nay của hàng loạt khu tái định cư trở nên cấp bách hơn khi Hà Nội công bố danh sách gần 400 hộ dân không chịu về ở dù đã ký hợp đồng từ năm 2015. 

Vòng luẩn quẩn xây mới nhà tái định cư (TĐC) – Người dân quay lưng – Bỏ hoang trở thành điệp khúc có thật. Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng các chính sách TĐC với chủ trương "nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ" rất đúng, nhưng việc thực hiện chưa thấu đáo. Tại các đô thị lớn với đặc thù phải mở đường, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, việc di dời dân là tất yếu. Trong khi đó, phần lớn người dân lại bám đường theo phương châm “nhất cận thị, nhị cận giang”. Việc dịch chuyển dân ra chỗ ở mới về cơ bản mới chỉ đáp ứng được chỗ ở mà quên chuyện lập nghiệp.

Theo luật và chủ trương chính sách nhà ở TĐC, nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, tuy nhiên, nhìn lại hệ thống nhà TĐC từ trước đến nay thì chưa dự án nào đáp ứng được yêu cầu đó. Nguyên nhân có lẽ do đang đi theo lối mòn cơ chế cũ là người dân không có quyền tham gia góp ý. Chuyện sinh hoạt, ăn ở thôi thì có thể cố gắng, nhưng chuyện học hành của con cái lại vất vả vô cùng. Đáng lưu tâm, chuyện mưu sinh mới là gánh nặng, cho nên mới có những cách mưu sinh lạ kỳ ở các khu TĐC. Còn quá nhiều điều phải cải thiện để chủ trương xây dựng nhà TĐC phát huy đúng giá trị an sinh như kỳ vọng của chính quyền các cấp. Thế nên, đã có ý kiến cho rằng nên tạm dừng xây dựng mới các dự án TĐC, dùng nguồn kinh phí đó để khắc phục sự xuống cấp của tòa nhà TĐC hiện có. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân vì sao quỹ nhà này còn bỏ trống; hay hư hỏng ra sao khiến dân dùng dằng không về ở.

Không thể để mãi câu chuyện các khu TĐC và các dự án cứ mải miết triển khai phần việc của mình mà không để ý tới mối quan hệ đan xen. Phải gắn trách nhiệm chủ đầu tư các tòa nhà TĐC với các dự án mới. Đích đến của các tòa TĐC là phục vụ người dân ở các dự án đô thị cần GPMB, vì thế, việc xây dựng nhà xong trước là đúng đắn. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó không nên quá xa, dẫn đến quỹ nhà TĐC chậm đưa vào khai thác để hoang phế. Nhà TĐC được người dân khát khao, đơn thuần là sự kết hợp tối thiểu về nhu cầu, vị trí, chất lượng và lập nghiệp. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng với những đối tượng sẵn sàng hi sinh nơi ở cũ của gia đình cho sự phát triển hạ tầng hiện đại hơn của TP. Nếu phát phiếu điều tra mức độ hài lòng của người dân với các khu nhà TĐC, chắc hẳn tỷ lệ hài lòng rất thấp. Và nếu cứ đổ lỗi cho các tác nhân khách quan, mà không xác định rõ trách nhiệm lo an cư cho người dân sẽ khó tạo được lòng tin vào chính sách TĐC. Giải pháp đã nhiều, Hà Nội đã tính tới việc đặt hàng xây dựng nhà ở TĐC phục vụ giải phóng mặt bằng. TP sẽ tạo quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để xây dựng nhà ở TĐC theo quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt. Nhưng quan trọng nhất, mọi giải pháp cần đặt vào vị trí dân để chính sách và thực tế khớp nối nhau; lấy quyền lợi, nhu cầu người dân làm trung tâm.