Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt sự an toàn của người lao động lên hàng đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ban, ngành nhằm hỗ trợ tối đa cho khoảng 1.550 công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya đồng thời cũng là sự quan tâm hàng đầu của dư luận trong tuần qua.

Theo thống kê, trong số lao động Việt Nam sang Libya làm việc (1.750 người), bên cạnh 1.550 lao động vẫn đang ở nước này; trong đó có hơn 200 lao động làm việc tại các thành phố Tripoli và Benghazi, hai khu vực tình trạng an ninh đang bất ổn, còn lại đa số người lao động đang làm việc cách vùng an ninh bất ổn hàng trăm kilômét. 

Tình hình Libya đang diễn ra phức tạp, chiến sự đang có dấu hiệu leo thang và lan rộng, đặc biệt tại hai thành phố lớn Tripoli và Benghazi. Các nước có nhiều lao động tại Libya như Philippines đã yêu cầu công dân rời khỏi nước này, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh... cũng khuyên lao động về nước. 

Trước tình hình đó, ngày 27/7/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya cho biết đã thiết lập 2 đường dây nóng (hoạt động 24/24 giờ) +00218.926903041/+00218.923654587; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã mở đường dây nóng +0084. 918370497 để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ các công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya.  Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận cũng như hỗ trợ thông tin cho người lao động Việt Nam ở Libya theo số điện thoại khẩn cấp của Đại sứ quán là: 00905346375328.

 
Đặt sự an toàn của người lao động lên hàng đầu - Ảnh 1
 
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng đã đưa ra các phương án tùy theo tình hình chiến sự tại Libya như sau: Tại các khu vực có nguy cơ xung đột, mất an ninh thì yêu cầu theo dõi, nếu có tình huống nguy hiểm thì ngay lập tức di tản lao động. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, về phía lao động của Việt Nam tại Libya, do đặc thù tuyệt đại đa số làm việc tập trung ở các công trình xây dựng lớn nên doanh nghiệp có đại diện quản lý lao động tại từng đối tác và nắm rõ từng thay đổi nhỏ, thường xuyên báo cáo về Việt Nam, những ngày này là báo cáo hằng ngày.

Đến thời điểm này, 206 lao động của Việt Nam làm việc cho một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya đã được đưa về Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường thủy. 79 lao động đã về đến Việt Nam đêm 29/7 và 34 người về ngày 30/7, số còn lại đang trên đường về và dự kiến sẽ về trước ngày 2/8. Tại hai thành phố có giao tranh, lao động của Việt Nam không ở vùng trực tiếp có giao tranh nhưng Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Thủ tướng để sớm đưa toàn bộ lao động ở hai thành phố này về nước.

Trước đó, sau những biến động chính trị xảy ra ở Libya vào năm 2011, tháng 2/2012, khi tình hình Libya ổn định, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ tiếp tục thí điểm đưa lao động đi làm việc ở Libya. Hợp đồng lao động đi làm việc ở thị trường phải có điều khoản về bảo đảm an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Doanh nghiệp phải nêu rõ phương án xử lý, trách nhiệm của các bên trong trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng trong hợp đồng cung ứng và hợp đồng lao động.

Ngày 30/7, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya và tại các nước trong khu vực theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty đang hợp đồng với lao động Việt Nam để sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, có các hình thức hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya; yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Libya chủ động liên hệ, thông báo cho công dân Việt Nam về những diễn biến phức tạp tại Libya đồng thời khuyến cáo công dân tránh xa các khu vực xảy ra xung đột và liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để được trợ giúp trong các trường hợp khẩn cấp.

Chiều 31/7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Thủ tướng đã giao Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao phối hợp theo dõi sát diễn biến tình hình, đồng thời chuẩn bị các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho hơn 1.500 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya. Trong trường hợp cần thiết, sẽ lập cầu hàng không để đưa lao động về nước”.

Liên quan đến việc hỗ trợ đưa người lao động Việt Nam tại Libya hồi hương, năm 2011, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thiết lập cầu hàng không thông qua việc thực hiện các chuyến bay đến Bắc Phi. Vietnam Airlines thực hiện các chuyến bay đến thành phố Djerba (Tuy-ni-di) để đón người lao động Việt Nam đã sơ tán từ Libya sang đây về nước. Đây là sân bay gần nhất, cách biên giới Libya khoảng 100 km về phía tây. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya nổ ra hồi đầu năm 2011 khiến hàng trăm nghìn lao động nước ngoài phải sơ tán. Trong đó, việc giải cứu hơn 10.000 lao động Việt Nam kéo dài suốt một tháng. Cuộc giải cứu năm 2011 được đánh giá là có quy mô lớn thứ hai của Việt Nam, sau cuộc sơ tán khoảng 18.000 lao động Việt Nam làm việc tại Iraq năm 1991 do chiến tranh vùng Vịnh.