Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn khó phai

Thủy Trúc – Chi Lê – Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua (5/9) hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước đã tham dự lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019. Không khí ngày khai trường náo nức trong mỗi học sinh cũng như thầy cô giáo và phụ huynh.

Chút bỡ ngỡ đầu năm

Từ 6 giờ 30 phút sáng, trên các con đường dẫn đến trường học ở khu vực nội đô đã đông kín phụ huynh đưa con đến trường. Một số phố như Khương Trung (quận Thanh Xuân), Tôn Thất Tùng, Hoàng Tích Trí (quận Đống Đa)… xảy ra tình trạng tắc nghẽn vào lúc hơn 7 giờ - thời điểm lễ khai giảng sắp bắt đầu. Học sinh mặc đồng phục, tay cầm cờ, hoa, khuôn mặt háo hức như có vẻ mong nhanh được tới trường để được dự khai giảng. Ở khu vực các huyện ngoại thành, không khí ngày khai giảng năm học mới 2018 – 2019 cũng rất rộn ràng. Ghi nhận của chúng tôi, các ngôi trường sau 3 tháng nghỉ hè im lìm đã khoác trên mình tấm áo mới với những khẩu hiệu, cờ hoa, tranh ảnh tươi vui sắc màu, chào đón học sinh thân yêu.
 Lễ đón các em học sinh bước vào lớp 1 trường Tiểu học Khánh Thượng B, huyện Ba Vì. Ảnh: Trọng Tùng
Lễ khai giảng năm học này là dấu ấn khó phai trong cuộc đời đối với học sinh lớp 1. Lần đầu tiên được dự khai trường, các em không khỏi bỡ ngỡ; nhưng chỉ sau ít phút được cô giáo dẫn vào chỗ ngồi, gặp bạn mới, các em đã hòa đồng, phấn khởi. Đối với các em học sinh lớp 6 và lớp 9, khai giảng cũng rất háo hức và rộn ràng. Đã dự khai trường nhiều lần, nhưng lần này đánh dấu khởi đầu mới chuyển từ cấp học thấp lên cao hơn, nên các em cũng không khỏi hồi hộp xen chút lo lắng. “Hôm nay con rất vui khi được làm quen với nhiều bạn mới. Nhưng, chắc chắn những ngày học đầu năm chúng con rất bỡ ngỡ bởi phương pháp học ở trường cấp 3 khác hẳn cấp 2. Bọn con sẽ phải cố gắng thay đổi để tiếp cận được với cách học mới ở ngôi trường có chất lượng hàng đầu Thủ đô” – một nam sinh lớp 10 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam bộc bạch.

Để tạo cho học sinh sự tự tin khi bước vào ngôi trường mới, cô Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khẳng định, thế hệ học sinh mới sẽ được đào tạo để có tư duy độc lập, có tri thức sâu rộng và đủ kỹ năng để xây dựng tương lai cho chính mình.
 
Cũng trong lễ khai giảng trang trọng, nhưng rất đầm ấm, vui tươi, cô Nguyễn Mỹ Hảo – Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy nhấn mạnh, nhà trường sẽ không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới mục tiêu thiết thực, hiệu quả nhất.

Ở nơi trẻ không hát bằng lời

Khi tiếng nhạc của bài Quốc ca vang lên, những đứa trẻ không nghe được bằng tai đã cùng các bạn hát bằng cử chỉ và ngôn ngữ riêng. Với những bé lớp 1, tuy chưa hiểu rõ từng từ trong bài Quốc ca, nhưng các em vẫn hát bằng cả trái tim khiến những người chứng kiến rất xúc động. Những đứa trẻ đặc biệt ấy là học sinh trường PTCS Xã Đàn (quận Đống Đa) – ngôi trường chuyên dạy trẻ khiếm thính các cấp học từ mầm non đến THCS. Chứng kiến lễ khai giảng của con, anh Nguyễn Thế Thắng đến từ Hải Phòng, là phụ huynh học sinh lớp 1 chia sẻ: “Con gái tôi năm nay 8 tuổi đã học dự bị tại trường 2 năm, năm nay cháu chính thức được vào lớp 1. Trước thềm năm học mới, thấy con vui vẻ đến trường, gia đình vừa mừng vừa lo. Tôi mừng vì con thích đi học, được hòa nhập với các bạn. Nhưng lại lo nhiều hơn do gia đình vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc đồng hành cùng con, chưa thông hiểu ngôn ngữ của con nhiều. Tôi mong năm học này sẽ học thuận lợi cho cả con và cả gia đình”. Chia sẻ với học sinh và phụ huynh về chuẩn bị cho năm học 2018 - 2019, thầy Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường đã được bổ sung 2 phòng máy tính mới, 2 hệ thống camera, 1 phòng thí nghiệm hóa sinh và nhiều bàn ghế, bảng mới. “Nhà trường sẽ tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, cố gắng thi đua dạy và học tốt, để Xã Đàn trở thành mái ấm cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”.
 Cô và trò trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy trong ngày khai giảng.
Tận mắt chứng kiến các cô giáo dẫn từng học sinh khiếm thị đến chỗ ngồi dự lễ khai giảng, có những em nhỏ lần đầu tiên đến trường được cô bế vào lòng, chúng tôi đã cảm nhận được tình yêu thương đối với học trò vô bờ bến. Cô giáo trẻ Chu Thùy Dương – phụ trách Học sinh khiếm thị khu nội trú của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Em rất quý trẻ con, nhìn những em bé bị khiếm khuyết thì càng thương hơn. Vì thế, sau khi tốt nghiệp ngành Điều dưỡng, em đã học thêm khóa học chuyên biệt và xin vào trường để có điều kiện giúp đỡ các bạn ấy. Làm việc ở đây, em nhận được nhiều tình cảm rất đỗi thiêng liêng, bởi các bé coi mình như người mẹ thứ hai, có chuyện gì cũng tâm sự, chia sẻ”.

Ngồi cùng với cô Thùy Dương là bạn Đỗ Thị Thương – học sinh khiếm thị lớp 9A3. Thương không có cơ hội xem các tiết mục văn nghệ bằng mắt, nhưng đôi tai đã giúp em cảm nhận được các bạn mình rất xinh và hát rất hay. “Em rất vui khi được dự ngày khai trường cuối cùng trong 4 năm học cấp hai với những chương trình ấn tượng. Nhưng em lại hơi buồn khi chỉ hết năm nay không còn được học ở mái trường này nữa. Cho dù có đi đâu, em vẫn luôn nhớ mãi ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu yêu dấu” – Thương xúc động nói. Không chỉ Thương mà nhiều thế hệ học sinh khác cũng như những thầy cô từng công tác ở mái trường Nguyễn Đình Chiểu đều nhận xét nơi này rất nhân văn. Nhân văn không chỉ đối với học sinh khiếm thị mà với cả những em sáng mắt. Ở nơi đây, các em được học cách yêu thương, chia sẻ một cách rất tự nhiên. Bởi vậy, cứ mỗi năm đến ngày khai giảng, nhà trường lại được đón nhận nhiều tình cảm từ học trò cũ và những thầy cô đã từng công tác. “Trong năm học này, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học được áp dụng vào từng việc làm, mỗi tiết học, qua đó để học sinh tiếp nhận kiến thức nhuần nhuyễn hơn. Trong phương pháp quản lý, nếu có điều gì chưa phù hợp thì điều chỉnh để cuối cùng quyền lợi của học sinh khiếm thị phải được đặt lên hàng đầu” – cô Trần Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Vượt khó đến trường

Con đường quanh co, uốn lượn chạy từ ngã ba Đá Chông, qua trung tâm xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) dẫn chúng tôi đến ngôi trường nằm giữa lưng chừng đồi ở thôn Gò Đình Muôn. Mới 6 giờ 30 phút sáng, hàng trăm học sinh đã tề tựu đông đủ tại khuôn viên trường Tiểu học Khánh Thượng B, chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Đây là ngôi trường nằm xa trung tâm nhất trên địa bàn Hà Nội.
 Niềm vui của học sinh trường PTCS Xã Đàn, Nam Đồng, Hà Nội.
Em Nguyễn Anh Duy năm nay vào lớp 1, được mẹ chuẩn bị quần áo sạch sẽ, tươm tất trước khi đến trường. Hành trình tìm con chữ sẽ bắt đầu từ hôm nay và hứa hẹn sẽ còn nhiều vất vả. Là bởi nhà Duy nằm ở thôn Hương Canh, cách trường gần 5km. Không chỉ vậy, bà nội của Duy cho biết, để đến được ngôi trường, hai bà cháu phải đạp xe đi qua 11 đoạn ngầm tràn, đập dâng, đường ngập nước...

Vốn là điểm trường lẻ được thành lập năm 2003, nên diện tích trường Tiểu học xã Khánh Thượng B khá nhỏ hẹp. Cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, nhất là các phòng học chức năng và công trình phụ trợ. Thiếu cơ sở vật chất, 100% học sinh nơi đây cũng chưa được học bán trú. Điều này không chỉ là thiệt thòi lớn cho các em mà còn khiến các bậc phụ huynh thêm phần vất vả. Chị Đinh Thị Hiền, mẹ cháu Đinh Thanh Ba (năm nay học lớp 3) cho biết, ngày nào cũng phải đưa đi, đón về tới 4 lượt, bởi cháu còn nhỏ, chưa thể tự đi lại bằng xe đạp. Việc đi lại vào ngày thường vốn đã vất vả, vào những ngày mưa lớn, đường ngập nước, nhà trường buộc phải cho các em học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn...

Không chỉ trường Tiểu học Khánh Thượng B, điều kiện vật chất của 4 trường học khác trên địa bàn xã vùng đồng bào dân tộc này cũng còn rất nhiều khó khăn. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng Nguyễn Chi Thủy, dù đã được TP quan tâm, đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn thuộc Kế hoạch số 166 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô”, tuy nhiên, toàn xã hiện mới có 2/5 trường đạt chuẩn Quốc gia. Các trường mới cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy 2 buổi/ngày. Trong khi đó, nhu cầu được học bán trú để giảm thời gian đi lại, vơi bớt nhọc nhằn trên con đường tìm kiếm cái chữ cho học sinh vùng cao thì không biết đến khi nào mới trở thành hiện thực…