Đâu chỉ là hình thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chồng đi làm về mang theo lốc nước yến ngân nhĩ, loại hảo hạng. Vợ liếc qua, biết ngay là để tối chồng đi thăm bà ngoại mấy đứa nhỏ bệnh vừa nhập viện. Nhấm nhẳng, vợ buông một câu: “Sang quá, cả đời mẹ con tôi còn chưa được uống mấy cái thứ xa xỉ này”.

Kinhtedothi - Chồng đi làm về mang theo lốc nước yến ngân nhĩ, loại hảo hạng. Vợ liếc qua, biết ngay là để tối chồng đi thăm bà ngoại mấy đứa nhỏ bệnh vừa nhập viện. Nhấm nhẳng, vợ buông một câu: “Sang quá, cả đời mẹ con tôi còn chưa được uống mấy cái thứ xa xỉ này”.

 
Đâu chỉ là hình thức - Ảnh 1

Chồng giận tím mặt, nhưng nín nhịn cho êm nhà. Tới bữa cơm, vợ bồi tiếp, đại ý là hôm qua mấy đứa kia (ý là em vợ) đi chưa về, tôi đã phải đóng tạm ứng viện phí cho bà ngoại rồi, có đâu mà phải thăm nom, biếu xén nữa. Chỉ giỏi bày vẽ. Thời buổi khó khăn, lương ba cọc ba đồng, mà sao nhiều người cái gì cũng thích hình thức…

 

“Nhiều người” buông đũa, thở dài ngán ngẩm. Cái khúc ca muôn thuở của vợ, chồng còn lạ gì nữa. Mẹ ruột còn vậy, nên chẳng trách chi hôm bố chồng ốm, vợ từ chối dắt con vô thăm, với lý do người trong nhà cả, tối mặt tối mũi chạy lo tiền, đưa đón hai đứa nhỏ, có đâu bắt bẻ nhau những chuyện không đáng như thế. Chồng cố công giải thích, không ai lỗi phải gì vợ cả, chẳng qua ông nội trông gặp cháu. Nhưng, vợ vẫn khăng khăng phía nhà anh sao hay bắt bẻ, làm khó nhau. Có quý có thương thì cứ đưa phụ chút tiền trang trải thuốc thang đi, đừng nắm tay nắm chân nói những lời hoa mỹ, đâu giải quyết được gì. May mà lúc ấy trong nhà chỉ có hai vợ chồng, mấy người bà con ngoài quê lặn lội vô thăm ông nội bệnh đã đi vắng hết. Nếu không, chồng chẳng biết phải làm sao với cái tính của vợ.

 

Cũng vì lệch pha nhau trong vấn đề đâu là lễ nghĩa cần thiết, đâu là vẽ vời tốn kém mà vợ chồng cứ liên tục bất hòa. Nhà có giỗ quảy, vợ chỉ muốn đơn giản, tiết kiệm, nhưng chồng lại cho rằng, cả năm cũng chỉ vài lần, bà con anh em đến nhà, sơ sài coi sao đặng? Vợ việc gì cũng thích “bỏ phong bì” cho nhanh gọn, nhưng chồng lại coi trọng “của cho không bằng cách cho” nên hay dành thời gian mua quà, chăm chút từng cái nơ, nét chữ. Thấy chồng loay hoay ghi thêm lời chúc ngoài tấm thiệp mừng, vợ bĩu môi, bảo thẳng: “Người ta chỉ quan tâm xem bên trong là bao nhiêu tiền, rồi vứt ngay cái vỏ thiệp vô sọt rác thôi mà!”. Riết rồi chồng cũng ngại, không dám để vợ biết mình “bày đặt” này nọ khi nhắn tin chia sẻ với đồng nghiệp vừa gặp chuyện không may, hay an ủi đứa cháu đang buồn vì công việc…

 

Chồng vẫn không quên trận “giáo huấn” tưng bừng của vợ khi “lần đầu lỡ dại” mang về một lẵng hoa to nhân kỷ niệm ngày cưới. Không như một số bà vợ thích được chồng thể hiện sự quan tâm bằng quà cáp, nữ trang, áo ngủ, nước hoa…, vợ thực tế bảo, cứ đưa tiền đây, vợ cần gì sẽ tự mua cho đỡ phí. Nên hàng năm, đến ngày sinh nhật, chồng thừa biết món gì đợi mình ở nhà…

 

Nói mãi rồi vợ cũng miễn cưỡng nhín chút thời gian cho việc giao tế, hiếu hỉ. Tuy nhiên, vợ vẫn giữ chặt cách nghĩ, sống tốt hay có lòng với nhau đâu phải thể hiện ở những việc sáo rỗng. “Biết chuyện” bằng cách chủ động gánh vác việc nhà, coi ngó hai đứa nhỏ, để chồng rảnh rang chăm sóc ông nội, cũng là một cách thiết thực vậy. Ừ thì chồng nhất trí. Nhưng, cái gì cũng chăm chăm “quy ra thóc” thì đời đáng buồn thật, vợ có thấy vậy không?