Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đau đầu trước nạn hàng giả, hàng nhái

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tục phát hiện, bắt giữ hàng giả, hàng nhái, trong đó có những vụ do chính DN Việt Nam uy tín thực hiện. Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi lực lượng chức năng phải phối hợp đồng bộ và có mức xử phạt phù hợp thực tế, mang tính răn đe cao.

Cán bộ Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra mỹ phẩm nhái nhãn mác tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hoài Nam
Thủ đoạn ngày càng tinh vi ​
Theo thống kê của Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện 34.733 vụ sản xuất hàng giả, vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhãn hàng hoá. Đại diện Tổng cục QLTT đánh giá, nạn hàng giả diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, số lượng, diễn ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nêu rõ: Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, bao bì, tem nhãn. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó chuyển bán sang địa phương khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách đặt mua; sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó không cất trữ chờ tiêu thụ. Đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ là người Việt Nam mà có cả người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn.

Bất cập trong xử lý

Nguyên nhân khiến cho tình trạng hàng giả chưa được loại trừ là do lợi nhuận rất lớn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ khiến việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Vấn đề xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT triển khai còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật chưa sát thực tế đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý hành vi vi phạm. Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Trịnh Quang Đức nêu rõ: Mặc dù Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm nhưng vẫn còn những khoảng trống so với thực tế. Chẳng hạn, khoản 14 Điều 3 về khái niệm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ quá rộng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xử lý hàng hóa không đủ giấy tờ.

Để công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT hiệu quả hơn, thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT các cấp chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề. Tăng cường phối hợp giữa lực lượng QLTT với các hiệp hội ngành nghề, DN sản xuất kinh doanh trong công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, muốn ngăn chặn hàng giả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan pháp luật thì DN chủ sở hữu quyền SHTT cũng cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc đến các cơ quan thực thi khi phát hiện bị vi phạm. Đối với người tiêu dùng, không sử dụng hàng nhái, hàng giả và thông báo với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả. Bên cạnh đó, mức độ xử phạt cũng cần sửa đổi phù hợp thực tế.