Tình trạng dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, gây mất trật tự, ATGT của các xe này ngày càng trở nên nghiêm trọng trong khi Bộ GTVT vẫn im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu.
Thiệt đơn, thiệt kép
Theo thống kê, hiện có hơn 400 lượt XKLT không có điểm đầu cuối tại Hà Nội nhưng vẫn chạy xuyên tâm TP trên tuyến Vành đai 3. Có thể nói, đến nay, Hà Nội chưa được hưởng lợi gì từ XKLT quá cảnh mà còn phải gồng mình chịu thiệt đơn, thiệt kép. Như một thông lệ, XKLT quá cảnh dừng đỗ đón trả khách từ khi bắt đầu vào địa phận Hà Nội.
Bất kể là đường dưới thấp, trên cao, cầu vượt hay nút giao, chỗ nào cũng có thể thấy những chiếc XKLT quá cảnh dừng đỗ, gây mất trật tự, ATGT nghiêm trọng. Đặc biệt cung đường Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - cầu cạn Vành đai 3 đã trở thành địa bàn thường xuyên hoạt động của XKLT quá cảnh Hà Nội, với hàng loạt điểm dừng như khu vực cổng công viên Hòa Bình (Bắc Từ Liêm); đầu phố Doãn Kế Thiện (Cầu Giấy); đường lên cầu cạn Vành đai 3…
Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, không chỉ dừng đón, trả khách gây náo loạn đường phố Hà Nội, nhiều nhà xe còn mở cả văn phòng làm điểm trung chuyển gom khách, nhận hàng. Cùng với lượng xe khách “trá hình” xe hợp đồng ngày càng gia tăng, XKLT quá cảnh đang cạnh tranh không sòng phẳng, gây xáo trộn thị trường vận tải của TP.
Chưa hết, để phục vụ hoạt động đón trả khách sai quy định của XKLT quá cảnh, một lực lượng không nhỏ “cò mồi” được thuê để theo dõi lực lượng chức năng hoặc gom khách, chở khách chạy theo xe… Lực lượng này không chỉ khiến lực lượng chức năng gặp muôn vàn khó khăn trong công tác xử lý mà còn gây mất trật tự, an ninh, nhất là khu vực xung quanh Bến xe Mỹ Đình.
Bộ GTVT “lờ” kiến nghị của địa phương?
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ tháng 3/2018, Sở đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh luồng tuyến hơn 400 lượt xe khách quá cảnh.
Cụ thể, các tuyến XKLT quá cảnh Hà Nội hiện đang có hành trình hoạt động chủ yếu trên tuyến Vành đai 3 xuyên tâm TP sẽ được điều chỉnh đi tránh sang các hướng khác, với cự ly và chất lượng hạ tầng tương đương.
Hơn nữa, các xe này không có điểm đầu, điểm cuối tại các bến xe ở Hà Nội, cũng không được phép dừng đón, trả khách trong TP, vì vậy việc nắn lộ trình không gây tác động đến hiệu quả kinh doanh của DN. Một khi được điều chỉnh, không chỉ Vành đai 3 mà cả các tuyến đường phụ cận cũng sẽ giảm đáng kể áp lực giao thông.
Tại cuộc làm việc giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội vào ngày 6/4/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã chỉ đạo Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp, hỗ trợ Sở GTVT Hà Nội tổ chức điều chỉnh lại hành trình các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đi qua nhưng không có điểm đầu, cuối tại bến xe trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, hơn một năm đã trôi qua, chỉ đạo này vẫn rơi vào im lặng.
Đầu năm 2019, Hà Nội tiếp tục có công văn gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT địa phương liên quan về việc phối hợp điều chỉnh các tuyến XKLT quá cảnh Hà Nội. Ông Đào Việt Long cho hay, Bộ GTVT cho biết còn phải lấy ý kiến các Sở GTVT địa phương liên quan.
Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga phân tích, việc lấy ý kiến các Sở GTVT địa phương khác là không cần thiết và không phù hợp trong hoàn cảnh này. XKLT chỉ quá cảnh Hà Nội, không được dừng đón, trả khách nên việc đi đường nào để qua TP cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của DN.