Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dẫu đồng sàng vẫn có dị mộng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn thuần tuý từ góc độ kinh tế và thương mại, chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất thành công.

Với 12 thoả thuận hợp tác được ký kết, với cam kết của Trung Quốc đầu tư 20 tỷ USD trong thời gian 5 năm tới vào những dự án lớn của Ấn Độ. Trong bối cảnh cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cũng như nhiều nghi ngại lẫn nhau vẫn còn tồn tại dai dẳng, chuyến thăm này đáp ứng mong đợi của cả hai phía về kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai bên đã tạo ra được những lợi ích chung này để gắn bó và cả ràng buộc lẫn nhau vào quan hệ hợp tác.

Nhưng bên cạnh đó, mỗi bên vẫn có động cơ và lợi ích riêng. Ấn Độ cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc nhưng lại không thể không luôn lo ngại sâu sắc về mối đe doạ an ninh từ phía Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Nam Á cũng như về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ở cả Ấn Độ Dương. Bởi vậy, Ấn Độ tuy muong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc, nhưng chưa sẵn sàng đẩy mạnh quan hệ quân sự, quốc phòng và an ninh với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có không ít nghi kỵ về Ấn Độ, đặc biệt khi thấy Ấn Độ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Australia trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng và an ninh. Nhưng lợi ích chiến lược thiết thực của Trung Quốc ở khu vực Nam Á là có vùng đệm an ninh để tập trung cho những ý đồ chiến lược ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng thừa hiểu rằng muốn gây dựng và tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Nam Á thì phải hợp tác chứ không thể đối đầu với Ấn Độ. Hơn nữa, tranh thủ Ấn Độ cũng còn là cách cạnh tranh tốt nhất với các đối tác bên ngoài khác ở khu vực này. Hai bên dẫu có đồng sàng nhưng vẫn còn cả dị mộng.