Từ ngày 20/3/2021 các đơn vị được UBND TP giao quản lý mặt bằng kinh doanh phải dành tối thiểu 1/3 diện tích kinh doanh dịch vụ (KDDV) của nhà chung cư cho những hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?- Trước hết, có thể thấy đây là chính sách rất nhân văn dành cho những hộ dân tái định cư, bởi đặc thù nhà tái định cư khác hẳn nhà thương mại về đối tượng sử dụng. Các hộ phải tái định cư đã hy sinh quyền lợi nhà đất vì sự phát triển chung của TP, khi mua nhà tái định cư cũng phải thực hiện theo quyết định của UBND TP.Việc UBND TP có quyết định dành 1/3 diện tích KDDV tại tòa nhà dành cho hộ dân tái định cư tham gia đấu giá sẽ mang đến quyền, lợi ích hợp pháp mà người dân tái định cư được hưởng. Vì diện tích đấu giá này sử dụng đúng vào mục đích KDDV phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân tái định cư, chẳng hạn như tiệm thuốc, cửa hàng tiện tích... Thông qua đấu giá, người dân có nhu cầu thuê được cạnh tranh bình đẳng, quyền lợi được đảm bảo, đồng thời giải quyết bức xúc về diện tích KDDV tại các chung cư tái định cư.Theo ông, liệu có khó khăn gì phát sinh trong quá trình thực hiện?- Quy trình đấu giá bao gồm các bước như niêm yết đấu giá tài sản theo Điều 35 Luật Đấu tài sản năm 2016, cần 15 ngày. Tổ chức đấu giá công khai, phê duyệt kết quả, cần từ 7 - 12 ngày. Như vậy sẽ mất khoảng 1 tháng. Nếu trường hợp tổ chức đấu giá lần đầu không có hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư tham gia sẽ phải tổ chức đấu giá cho thuê lần 2, lần 3. Tới lần 3 thì đối tượng khác (đối tượng tham gia mở rộng cùng với 2/3 diện tích KDDV còn lại) mới được tham gia đấu giá. Như vậy, thực hiện quy trình trên sẽ mất tối đa 3 tháng. Đồng thời, trong quá trình thực hiện phải bỏ một khoản kinh phí, bố trí nhân lực cho mỗi lần tổ chức đấu giá. Nếu không thành công sẽ gây lãng phí nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện. Hơn nữa, trong thời gian này diện tích bị để trống không đem lại nguồn thu.Ngoài ra, nếu hộ gia đình, cá nhân tại khu tái định cư trúng đấu giá được quyền thuê, theo quy định tại Điều 14, Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND phải trả tiền hàng năm hoặc trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê, thì người dân sẽ gặp khó khăn, có thể dẫn đến trường hợp khó thu hồi công nợ. Nếu hộ gia đình hay cá nhân không thực hiện đúng quy định thì đơn vị được giao quản lý vận hành diện tích KDDV cũng rất khó áp dụng chế tài như cắt điện, cắt nước…Để giải quyết những khó khăn trên cần phải làm gì, thưa ông?- Theo tôi, để giải quyết khó khăn trên, các đơn vị được giao quản lý, vận hành phải ban hành thông báo, hướng dẫn quy trình về công tác đầu giá, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của hộ dân tái định cư khi tham gia đấu giá. Sau khi trúng đấu giá phải thực hiện nghiêm túc điều khoản hợp đồng thuê đã được ký kết giữa hai bên. Đơn vị quản lý vận hành phải thực hiện quản lý, bám sát, tạo mọi điều kiện tối đa, tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý những vướng mắc vượt thẩm quyền, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trúng quyền thuê, bảo đảm người dân được hoạt động kinh doanh ổn định.Nếu hộ gia đình, cá nhân vi phạm điều khoản trong hợp đồng thuê thì đề nghị tiến hành thu hồi diện tích để đưa vào đấu giá quyền thuê cho vào kế hoạch đấu giá hàng năm tiếp theo để tránh bỏ trống gây thất thoát tài chính Nhà nước... Ngoài ra, sau lần tổ chức đầu tiên, nếu không có hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư tham gia thì đề nghị cho các đối tượng khác được tham gia đấu giá tại lần tổ chức thứ 2 để tránh lãng phí thời gian, kinh phí, nhân lực.Xin cảm ơn ông!