“Tắc” vì luật
Trong nền kinh số, viễn thông được ví như “đường cao tốc”, là huyết mạch kết nối, còn tần số chính là “nền tảng” cơ bản và không thể thiếu để tạo nên đường cao tốc. Tuy nhiên, có một thực tế là hơn một thập kỷ trở lại đây, “nền tảng” này chưa được tận dụng, dẫn đến “đường cao tốc” gặp vô vàn khó khăn khi muốn phát triển.
Trong lịch sử, lần cấp tần số để sử dụng cho mạng viễn thông gần đây nhất là vào vào năm 2008 với băng tần 2.100 MHz dành cho 3G. Còn hiện tại, mạng 4G vẫn đang sử dụng chung băng tần 1.800 MHz và 2.100 MHz cho 2G và 3G. Hay như thế hệ mạng 5G mới vẫn đang gặp “khó” do chưa có tần số riêng để phát triển.
Còn nhớ, cuối năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã từng thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá băng tần 2600 MHz theo nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông nhằm triển khai mạng thông tin di động 4G. Thế nhưng, việc này không mang lại kết quả khả quan do Bộ TT&TT vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm lại vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư mạng 4G đối với 2 doanh nghiệp nhà nước VNPT và MobiFone. Chưa kể, tại thời điểm đó, cơ quan này cũng là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 2 doanh nghiệp nói trên.
Trong các năm sau đó, Bộ TT&TT đã nhiều lần báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như họp bàn với các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn và tiếp tục thực hiện đấu giá, nhưng tới tháng 10/2021, Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần mới chính thức có hiệu lực.
Đến nay, nhiều khả năng việc cung cấp thêm băng tần nhằm phát triển mạng viễn thông sẽ tiếp tục bị trì hoãn bởi còn phụ thuộc vào thời điểm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua.
Tại Báo cáo số 324/BC-ĐGS ngày 13/9/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề thuộc Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” cũng đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân cho sự chậm trễ nói trên.
Có thể kể đến như chờ ban hành Nghị định về đấu giá tần số, việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số còn khó khăn do chưa quy định chặt chẽ trong Luật Tần số vô tuyến điện… Nguyên nhân chính được cho là do Bộ TT&TT đã chậm trễ trong rà soát các quy định mới; chưa tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để tham mưu, sửa đổi kịp thời văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức đấu giá tần số vô tuyến điện cũng như lúng túng trong xử lý các tình huống mới.
Như vậy, việc cấp phép tần số mới cho viễn thông bị “tắc” nhiều năm nay là do luật này vướng luật kia, khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời thì lại có hàng loạt luật khác liên quan tới đấu giá như: Luật Đấu giá tài sản (2016), Luật Đầu tư (2020)… dẫn đến cơ quan quản lý lúng túng vì áp dụng luật nào cũng không xong.
Doanh nghiệp mòn mỏi đợi băng tần
Ở thời điểm hiện tại, việc thiếu băng tần viễn thông đang ảnh hưởng rất lớn tới các nhà mạng. Đối với những doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel, VinaPhone hay MobiFone mạng 4G bị quá tải, 5G cũng thiếu không gian phát triển mạng… Còn đối với các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile thì không thể mở rộng dung lượng mạng lưới - đồng nghĩa với không thể có khách hàng.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện nhà mạng Viettel cho biết, từ 2018 tới nay, đơn vị này luôn trong tình trạng không đủ băng tần để phát triển thuê bao 4G. Nguyên nhân nằm ở chỗ 4G không có băng tần riêng mà phải sử dụng chung băng tần 1.800MHz và 2.100MHz dành cho 2G, 3G. Trong khi đó không phải chỉ mình Viettel mà các nhà mạng khác cũng dùng chung 2 băng tần nói trên.
Việc có thêm tần số mới sẽ giúp nhà mạng chú trọng đầu tư, mua sắm thiết bị để phát triển mạng lưới, qua đó đẩy mạnh công nghệ 4G, 5G. Đây là yếu tố sống còn trong nền kinh tế số vì nhu cầu sử dụng dữ liệu tốc độ cao là rất lớn. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm tổ chức đấu giá băng tần mới trong thời gian sớm nhất - đại diện Viettel kiến nghị.
Còn theo đại diện của MobiFone, hiện nay các nhà mạng đều chưa có băng tần chuẩn cho 4G và 5G, điều này lý giải cho việc nhiều thời điểm mạng 4G của MobiFone bị nghẽn không truy cập được hoặc tốc độ mạng không đạt như chuẩn công bố. Do đó, MobiFone đề xuất, nếu do vướng mắc về quy định pháp luật khiến chưa thể đấu giá được băng tần thì cơ quan quản lý nên chọn hình thức cấp phép băng tần 4G qua thi tuyển - việc này đã từng được thực hiện với băng tần của 3G.
Về phía VNPT, Tổng Giám đốc Huỳnh Quang Liêm cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhanh chóng tiến hành đấu giá băng tần viễn thông. Việc mang nhiều băng tần ra đấu giá không chỉ giúp nhà mạng có thể lựa chọn băng tần phù hợp với chiến lược phát triển mà còn đảm bảo quyền bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, băng tần giành cho viễn thông rất quý hiếm và giá trị cao. Vì vậy, cần giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một doanh nghiệp được sử dụng kể quả thông qua đấu giá hay chuyển nhượng. Điều này sẽ tránh tình trạng nhà mạng có tiềm lực kinh tế mạnh thâu tóm lượng lớn tần số từ đó dẫn tới triệt tiêu tính cạnh tranh.
"Việc đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, do đó quy định về mặt pháp luật cần chặt chẽ, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ" - ông Lê Quang Huy nói.