Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dẫu không còn những tiếng leng keng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhịp phách tom chát, nhịp đàn nỉ non của "Xẩm tàu điện - Văn hóa đường phố Hà thành" đã khép lại, song nỗi nắc nỏm đợi chờ và hy vọng sự tái sinh của "một phần văn hóa Hà Nội" này lại mở ra trong lòng người yêu Hà Nội.

Dẫu không còn những tiếng leng keng - Ảnh 1

NSƯT Thanh Ngoan biểu diễn trong chương trình “Xẩm tàu điện - Văn hóa đường phố Hà thành”. Ảnh: Hồng Hạnh

Trở về

Tìm tòi nhiều và chắt chiu mãi, cuối cùng những người nặng lòng với xẩm Hà thành cũng mang được những âm thanh của Hà Nội thời còn tàu điện lên sân khấu đương đại. Xẩm trở về trong không gian của một nhà hát thay vì  một chiếu xẩm trên tàu điện như nó vốn có. Ở đó, chỉ có tàu điện "dựng" bằng kỹ thuật 3D, tiếng leng keng pha trộn trong âm thanh điện tử… thế nhưng chiếu xẩm vẫn chật lối đến tận buổi cuối cùng (từ tối 26/10 đến tối 28/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam). Người đến nghe hát xẩm chủ yếu là thế hệ tóc muối tiêu, mang theo ký ức về Hà Nội một thời xa vắng khi tàu điện chậm chạp "bò" qua các phố, đón khách lên tàu bằng tiếng hát dặt dìu và tiếng nhị nỉ non của cha con ông xẩm mù… Nỗi nhớ ấy chính là cái "thèm": "Tôi vẫn mong được một lần nghe lại xẩm tàu điện để nhớ thời xin mẹ hai xu mua vé đi từ Công viên Thống Nhất lên Bờ Hồ để nghe hát xẩm" - bà Nguyễn Thị Huệ, ở ngõ Văn Chương, Hà Nội hồi tưởng. "Điệu xẩm "36 phố phường" làm tôi mường tượng ra không khí Hà Nội thuở xưa, mường tượng ra cái tàu điện thủng thẳng gõ nhịp đi quanh Bờ Hồ…" - ông Đặng Văn Bình, ở Hà Đông tâm sự.

Người Hà Nội nay vẫn cần có những không gian thuộc về ký ức, vẫn cần xẩm tàu điện của thế kỷ trước, nên làn điệu "Anh Khóa", "Nhị tình", "Vui nhất Hà thành", những lời rao bán tăm tre, thuốc cam hàng Bạc, dầu cù là… vẫn cứ nức lòng người nghe. Thế nên, nhiều nghệ sĩ xẩm vẫn nuôi ước nguyện và thực hiện bằng được một chương trình xẩm tàu điện, để bắt đầu hành trình phục hồi nét văn hóa độc đáo của Hà Nội.

Dù không còn tàu điện

Tàu điện không còn, nhưng thứ xẩm đặc trưng ấy vẫn có thể sống trong thời hiện đại. Như NSƯT Thanh Ngoan nói: "Mặc dù không có môi trường diễn xướng hợp cảnh, hợp người với câu hát nhưng nếu cứ đòi hỏi quá cao như vậy, sẽ không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Dù không có tàu điện, chúng ta vẫn có thể hát xẩm tàu điện. Xẩm dù diễn ở đâu quan trọng vẫn là cốt cách, làn điệu, ca từ đầy ý nghĩa mà nó đem lại". Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể bảo tồn xẩm tàu điện, để điệu hát hồn phách Hà Nội thế kỷ trước trở về trong buổi hôm nay, theo cách mà những người tâm huyết với xẩm đang làm.

Dù tàu điện không còn, nhưng nhạc sĩ Thao Giang và các đồng nghiệp đã sưu tầm được hơn 20 bài xẩm thuộc dòng nhạc này "làm vốn" để biểu diễn. Dù những ông xẩm mù không còn đồng hành trên các chuyến tàu điện cũ, nhưng đã có một lớp nghệ sĩ kế cận chung lòng với xẩm. Điển hình là bé Thanh Thanh Tấm, mới 10 tuổi, nhưng hát đã nhuyễn và say. Trong nỗi băn khoăn "tàu điện không còn", các nghệ sĩ còn cho rằng, hoàn toàn có thể mang một mô hình tàu điện lên sân khấu, trên đó có chỗ cho cả người kéo nhị lẫn người hát… Thậm chí, có người còn nghĩ tới việc đưa xẩm lên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang dần hình thành ở Hà Nội. "Xẩm tàu điện của thế kỷ XX hoàn toàn có thể tái sinh trong thế kỷ XXI với một tư duy "thoáng" về trang phục, lời hát hay chỗ ngồi của nghệ nhân để phù hợp với nhu cầu của khán giả bây giờ" - PGS Nguyễn Đỗ Bảo bày tỏ.

Tuy nhiên để xẩm tàu điện có thể sống lại trên các chuyến tàu của tương lai, trước tiên cần được đầu tư để bảo tồn. Các nghệ sĩ đã sẵn lòng, sẵn sàng biểu diễn miễn phí buổi ban đầu, như mấy năm đầu của chiếu xẩm Đồng Xuân, nhưng không thể không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà quản lý. Giản đơn như nỗi băn khoăn của NSƯT Thanh Ngoan: "Khán giả cần, nhưng nhà quản lý tàu điện có cho phép hát xẩm trên tàu hay không lại là một chuyện khác. Giao thông của chúng ta rất chật hẹp, liệu họ có dành cho xẩm một chỗ ngồi riêng để diễn xướng?".