Trước tiên, nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi, kính chúc Bộ trưởng sức khỏe, an khang, thịnh vượng. Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong năm 2018 vừa qua?
Năm 2018, thu cân đối NSNN năm 2018 vượt 7,8% so dự toán. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đạt 80,6% (năm 2015 là 75%). Bội chi NSNN năm 2018 dưới 3,6%GDP (dự toán là 3,7%GDP); nợ công khoảng 61% GDP. Quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay tiếp tục được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.
Để đạt được kết quả này, trong công tác thu ngân sách, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu, chú trọng khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế (cả đối tượng và địa bàn); đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế,... Đồng thời chú trọng cải cách hành chính, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.
Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, tích cực, với phương châm chặt chẽ, tiết kiệm xuyên suốt từ khâu phân bổ dự toán cho đến quá trình thực hiện. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công khai, minh bạch sử dụng NSNN.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng |
Trong điều hành NSNN năm 2019, từng bộ, ngành, địa phương cần phấn đấu quyết liệt để đạt và vượt các nhiệm vụ thu trên cơ sở thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%, góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo tổng thu ngân sách thực hiện tăng khoảng 5% so với dự toán, tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP, làm nền tảng để hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, nợ công theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội.
Về chi NSNN, cần tiếp tục quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật tài chính; cơ cấu lại chi NSNN trong từng ngành, lĩnh vực trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế và triển khai các Nghị quyết số 18 và 19 Hội nghị Trung ương 6; phấn đấu nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2019 lên 27-27,5%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống 63 - 63,5% tổng chi NSNN, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 3,6% GDP; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch, tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công, tiếp tục cơ cấu lại nợ công, tăng tỷ trọng vay trong nước, tăng kỳ hạn bình quân phát hành trái phiếu chính phủ; từng bước cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường tính bền vững của ngân sách nhà nước.
Vậy, ngành Tài chính sẽ có giải pháp gì để hoàn thành tốt được các mục tiêu về nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2019, hướng tới hoàn thành kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, thưa Bộ trưởng?
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; phấn đấu tăng thu 5% so với dự toán Quốc hội giao và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Điều hành chi NSNN theo dự toán, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng cường thực hành tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công; đến cuối năm 2019 dư nợ công khoảng 61% GDP. Đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Năm mới lại nói chuyện cũ, có vẻ như thu ngân sách của chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất. Từ câu chuyện cũ này, Bộ Tài chính có giải pháp gì để cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn, thưa Bộ trưởng?
Số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 đã có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể: khu vực DNNN tăng 4%; khu vực FDI tăng 8,8%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 15,8%. Tính chung cả 3 khu vực tăng khoảng 10%. Như vậy, chúng ta thấy rằng thu ngân sách từ khu vực kinh tế khá phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế của cả nước tăng khoảng 7,08% và lạm phát tăng khoảng 3,5%, góp phần vào việc nâng cao tính bền vững của NSNN.
Tuy nhiên, số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế đã không đạt so với dự toán đề ra. Nếu tính chung, tổng thu NSNN từ cả 3 khu vực kinh tế và dầu thô, nhà, đất đã hoàn thành dự toán Quốc hội giao. Như vậy là, dự toán của 3 khu vực kinh tế thực tế cao hơn so với kết quả đã đạt được - mặc dù số thu đã tăng xấp xỉ 10% so với năm 2017; số không đạt của 3 khu vực này đã được bù do số tăng thu từ dầu thô, nhà, đất vượt dự toán được giao. Do đó, tổng cân đối thu NSNN đã hoàn thành và vượt dự toán được Quốc hội giao.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai Nghị quyết 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý và phấn đấu thực hiện mục tiêu thu nội địa của giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 84 - 85% tổng thu NSNN.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! Chúc Ông và gia đình năm mới sức khỏe, nhiều niềm vui!