Dầu Nga hưởng lợi nếu xung đột tại Trung Đông leo thang?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia của Mỹ nhận định Nga có khả năng tăng nguồn thu từ dầu mỏ nếu nguồn cung nhiên liệu tại Trung Đông bị gián đoạn do cuộc xung đột Hamas-Israel.

Nga có khả năng tăng nguồn thu từ dầu mỏ nếu nguồn cung nhiên liệu tại Trung Đông bị gián đoạn. Ảnh: AP
Nga có khả năng tăng nguồn thu từ dầu mỏ nếu nguồn cung nhiên liệu tại Trung Đông bị gián đoạn. Ảnh: AP

Ông Kyle Shostak - Giám đốc điều hành (CEO) của công ty đầu tư Navigator có trụ sở tại Mỹ, nói với hãng tin Tass rằng leo thang trong cuộc xung đột giữa phiến quân Hamas và Israel và việc nguồn cung nhiên liệu của các nước Trung Đông bị hạn chế có thể giúp Nga tăng đáng kể doanh thu từ việc bán dầu.

Nguồn cung dầu mỏ của Iran hiện đang đóng vai trò quan trọng đối với thị trường “vàng đen” toàn cầu khi xuất khẩu nhiên liệu này của Tehran đạt mức cao nhất trong 5 năm dù đang bị bị Mỹ cấm vận.

Ngay sau khi bùng phát cuộc xung đột tại Trung Đông hôm 7/10,  đã có báo cáo cho rằng Iran, một nước ủng hộ phiến quân Hamas, có liên quan đến kế hoạch của lực lượng này. Tuy nhiên, Tehran đã bác cáo buộc này. Trong khi đó, Israel và đồng minh lớn nhất là Mỹ nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Iran có liên quan.

Theo chuyên gia Shostak, nếu Mỹ quyết định siết thêm lệnh trừng phạt chống Iran trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Hamas-Israel, chỉ có Nga và Ả Rập Saudi mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hydrocarbon toàn cầu, nhưng "bất ổn chính trị có thể làm giảm đáng kể khả năng cung cấp dầu của Riyadh cho phương Tây.

CEO của Navigator cho biết: "Trong trường hợp các nhà lãnh đạo của Ả Rập Saudi phải đối mặt với những lợi ích của phương Tây trong khu vực, đặc biệt là họ đã thừa nhận chấm dứt bình thường hóa quan hệ với Israel, nước này có thể hạn chế nguồn cung dầu sang châu Âu hoặc Mỹ".

Trong khi đó, Nga không chịu áp lực từ tình hình địa chính trị căng thẳng như vậy, có thể thu được lợi ích kinh tế đáng kể nhờ bán thêm được nhiều dầu mỏ hơn cũng như có thể lựa chọn các khách hàng mua dầu với mức giá tốt nhất.

Cũng có quan điểm tương tự, Samuel Ramani – nhà phân tích tại Royal United Services Institute nói với đài CNBC rằng nếu giá dầu tiếp tục leo dốc do nguồn cung tại Trung Đông bị gián đoạn sẽ giúp Nga tăng nguồn thu từ nhiên liệu.

Giá dầu tiếp tục biến động

Mặc dù giảm nhẹ trong phiên ngày 16/10, giá dầu vẫn duy trì quanh mức 90 USD/thùng trong bối cảnh giới đầu tư đợi xem liệu xung đột Hamas-Israel có lan rộng hay không, từ đó đẩy giá tăng cao hơn và giáng một đòn vào nền kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, giá dầu Brent sụt 0,43%, về còn 90,50 USD/thùng, còn giá dầu WTI hạ 0,3%, xuống còn 87,43 USD/thùng.

Khép phiên cuối trước, cả hai mặt hàng dầu này đều leo dốc gần 6%, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4 khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng xung đột tại Trung Đông sẽ lan rộng. Tính chung trong tuần trước, giá dầu Brent tăng 7,5%, còn giá dầu WTI cộng 5,9%.

Phát biểu với Reuters hôm 16/10, ông Hiroyuki Kikukawa - Chủ tịch NS Trading thuộc công ty Nissan Securities, cho biết, các nhà đầu tư đang đánh giá tác động mà cuộc xung đột tại Trung Đông có thể gây ra với các nước sản xuất dầu lớn, trong đó có Ả Rập Saudi, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Nhà phân tích John Evans của PVM nhận định: “Tình hình địa chính trị tại Trung Đông vẫn diễn biến hết sức căng thắng và khó dự đoán mức độ ảnh hưởng đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu”.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã làm gia tăng lo ngại rằng giao tranh có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất năng lượng trong khu vực. Được biết, Trung Đông chiếm hơn 1/3 thương mại đường biển toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 12/10 cho biết các điều kiện hiện tại trên thị trường dầu mỏ đang có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, cơ quan này nhận định cuộc chiến Israel-Hamas vẫn chưa có tác động trực tiếp đến nguồn cung nhiên liệu toàn cầu.

Trong khi đó, vào tuần trước Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với 2 công ty của UAE và Thổ Nhĩ Kỳ có tàu chở dầu Nga vượt quá mức trần giá dầu của G7 là 60 USD/thùng.

Nga là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và việc Mỹ siết biện pháp hạn chế với việc vận chuyển dầu của Moscow có thể làm giảm nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Mỹ, các nước G7 khác và Australia đã áp đặt biện pháp trần giá vào tháng 12 năm ngoái nhằm làm giảm doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu bằng đường biển như một phần của lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất hơn 1 năm vào cuối tháng 9 vừa qua do Ả Rập Saudi và Nga tự nguyện cắt giảm sản lượng và năng lực sản xuất dự phòng trên thế giới thấp.