Dầu Nga tìm được khách hàng bất ngờ tại Trung Đông

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dầu Nga với mức chiết khấu cao không chỉ “hút” khách hàng từ Trung Quốc và Ấn Độ mà hiện đã “len lỏi” sang tận Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Mới đây, dầu Nga đã tìm được thị trường mới tại Trung Đông bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Các nhà sản xuất dầu hỗn hợp của Nga gần đây đã thực hiện chuyến giao hàng đầu tiên cho khách hàng tại Các Tiểu quốc Ả Rập thống nhất. Ảnh: Reuters
Các nhà sản xuất dầu hỗn hợp của Nga gần đây đã thực hiện chuyến giao hàng đầu tiên cho khách hàng tại Các Tiểu quốc Ả Rập thống nhất. Ảnh: Reuters

Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, đã chuyển hướng xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm ngoái. Đồng thời, các công ty dầu mỏ của Moscow cũng tìm thêm khách hàng mới tại Brazil, Sri Lanka và Pakistan.

Reuters tuần trước cho biết Công ty dầu mỏ Lukoil của Nga và nhà sản xuất độc lập CenGeo đã bán hỗn hợp dầu thô chua nhẹ CPC Blend cho Công ty dầu khí quốc gia ADNOC của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đơn hàng này đánh dấu lần đầu tiên UAE mua hỗn hợp dầu thô từ Nga.

Vào đầu tháng 8 vừa qua, công ty Lukoil đã cung cấp 123.000 tấn dầu CPC Blend trên tàu chở dầu Delta Hellas tới kho cảng Ruwais. CPC Blend là dầu thô được vận chuyển theo đường ống chung thông qua hệ thống đường ống của Hiệp hội Đường ống Caspi

UAE trước đây cũng thường nhập khẩu các loại dầu khác nhau cho các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm tận dụng tối đa việc chênh lệch về giá.

Các thương nhân nói rằng UAE - nhà sản xuất lớn và cung cấp dầu Murban cho thị trường thế giới, đôi khi nhập khẩu nhiều loại dầu thô khác nhau phục vụ hoạt động lọc dầu nhằm tối ưu hóa chênh lệch giá.

Các thương nhân cho biết dầu CPC Blend được giao đến các cảng của UAE trong tháng 9 này sẽ rẻ hơn dầu Murban của UAE.

Không giống như các nước phương Tây, UAE chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ khi bùng phát xung đột quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

Ngoài ra, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ (OFAC) đã thông báo rằng dầu CPC Blend sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt đối với Nga nếu có nguồn gốc từ Kazakhstan. Điều này giúp những người mua mặt hàng dầu hỗn hợp của Moscow "thở phào” trong vấn đề giấy chứng nhận xuất xứ.

Hơn nữa, cảnh báo của Mỹ chỉ áp dụng cho những người mua đang tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Theo hãng tin Bloomberg, giao dịch dầu sôi động ở Dubai đã đẩy chênh lệch giá dầu thô WTI lên mức kỷ lục, một diễn biến mà các chuyên gia cảnh báo  có thể khiến dầu thô Mỹ thậm chí còn cạnh tranh hơn ở châu Á.

Nhiều thương nhân đã chuyển sang UAE sau khi các nhà sản xuất vùng Vịnh Ba Tư như Ả Rập Saudi tăng giá bán dầu và cước vận chuyển cũng tăng vọt. Bloomberg đưa tin, các hợp đồng dầu hoán đổi tại Dubai đang được giao dịch ở mức cao hơn so với hợp đồng dầu WTI chuẩn của Mỹ tại Singapore.

Theo tờ Oilprice, UAE - nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC, hồi tháng 7 vừa qua tuyên bố sẽ không tham gia cùng Ả Rập Saudi trong việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện, cho rằng việc cắt giảm của Riyadh là đủ để cân bằng thị trường.

Điều này hầu như không gây ngạc nhiên khi UAE từ lâu đã lập luận rằng họ nên được phép khai thác nhiều hơn so với hạn ngạch hiện tại của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

UAE đã nhận được một nhượng bộ lớn từ OPEC thông qua việc cho phép tăng hạn ngạch. Theo đó, UAE được phép tăng dần sản lượng 200.000 thùng/ngày đạt mức 3,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Không những vậy, UAE đang lên kế hoạch tăng công suất khai thác dầu thô lên 5 triệu thùng/ngày vào năm 2027, cao hơn nhiều so với hạn ngạch 3 triệu thùng/ngày của OPEC.

Trước đó, hồi tháng 6, OPEC cùng các nước đồng minh (OPEC+) đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu. Bên cạnh đó, Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, cũng thông báo mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7.