Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dầu tăng tuần thứ 2 liên tiếp trước triển vọng Mỹ-Trung sắp chốt thỏa thuận thương mại

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tăng trong tuần này khi thông tin Bắc Kinh và Washington sắp ký một thỏa thuận thương mại một phần làm lu mờ nỗi lo ngại nguồn cung dầu suy yếu.

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp khi các diễn biến xung quanh đàm phán thương mại Mỹ Trung và kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục cắt giảm sản lượng là những yếu tố chính tác động đến thị trường năng lượng. Tuần qua, dầu WTI tăng 0,8%, dầu Brent vọt 1,3%
Giá dầu đã có hai phiên đầu tuần liên tục sụt giảm do áp lực từ tiến triển chậm chạp trong đàm phán thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới.
Phát biều tại Câu lạc bộ Kinh tế New York trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã tiến gần tới thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”, song vẫn nhắc lại nhận định Trung Quốc có các hành vi “không đẹp” trong vấn đề thương mại.

Sang phiên giao dịch ngày 13/11, giá dầu phục hồi nhờ những nhận định cho rằng nhu cầu năng lượng sẽ được cải thiện. Giá “vàng đen” nhận được sự hỗ trợ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nói rằng chính sách tiền tệ hiện nay của nước này có thể vẫn hợp lý nếu kinh tế Mỹ vẫn duy trì sự ổn định.

Theo giới phân tích, những phát biểu của Chủ tịch FED về triển vọng kinh tế lại làm dấy lên hy vọng về sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ.
 Giá dầu tăng tuần thứ 2 liên tiếp nhờ sự lạc quan vào đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Giá dầu thế giới lại quay đầu đi xuống khi các số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo và sản lượng của nước này đạt mức kỷ lục. Dẫu vậy, dự báo của các nhà sản xuất về sự thu hẹp nguồn cung đã giúp kiềm chế đà giảm của giá mặt hàng này.
Tuy nhiên, giá dầu quay đầu tăng mạnh trong phiên ngày 15/11 để ghi nhận đà leo dốc trong tuần qua, với sự lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã nâng triển vọng nhu cầu năng lượng, ngay cả khi nhà đầu tư cân nhắc khả năng mâu thuẫn đối với nguồn cung dầu thô.
“Dầu được hỗ trợ bởi sự lạc quan ngày càng tăng rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc đang được thực hiện và có thể sớm đạt được, như lời xác nhận của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ông Ross hôm 15/11 cho biết các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung hiện đã đến những chi tiết cuối cùng”, Manish Raj - Giám đốc tài chính tại Velandera Energy, nhận định. “Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào có được giữa Mỹ và Trung Quốc đều làm giảm bớt những lo ngại về nhu cầu, và do đó tác động tích cực đến thị trường dầu mỏ”.
Bên cạnh đó, đà giảm 4 tuần liên tiếp của số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Theo dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 15/11, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 10 giàn còn 674 giàn trong tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/11, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 12 tiến 95 xu Mỹ (tương đương 1,7%) lên 57,72 USD/thùng. Tuần qua, giá mặt hàng dầu này đã tăng 0,8%.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1 trên sàn London tăng 1,02 USD (tương đương 1,6%) lên 63,30 USD/thùng và leo dốc 1,3% trong tuần qua.
Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều chứng kiến 2 tuần leo dốc liên tiếp.
Những tiến triển liên quan đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung là trọng tâm chú ý trên thị trường dầu mỏ. Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 14/11  đã đưa ra đánh giá khá tích cực về các cuộc đàm phán, mặc dù với rất ít chi tiết.
Ông Kudlow cho biết những nhà đàm phán đang tiến gần đến một thỏa thuận, nhưng Tổng thống Trump vẫn chưa sẵn sàng ký kết. “Ông Trump chưa sẵn sàng thực hiện cam kết, ông chưa ký cam kết cho giai đoạn 1, chúng ta vẫn chưa có thỏa thuận giai đoạn 1 nào”, ông Kudlow cho hay tại một sự kiện của Hội đồng đối ngoại, Wall Street Journal đưa tin.
Ngoài ra, tâm trạng của giới đầu tư đã khởi sắc sau khi OPEC dự báo nhu cầu thế giới về dầu của khối này sẽ vào khoảng 29,58 triệu thùng/ngày vào năm 2020, thấp hơn 1,12 triệu thùng/ngày so với năm 2019.
Nhiều nhà phân tích nhận định thông tin trên ủng hộ quan điểm của các thị trường rằng OPEC cùng các nhà sản xuất ngoài khối này, bao gồm cả Nga, nên duy trì kế hoạch hạn chế sản lượng để đối phó với tình trạng dư cung.

Giá dầu đã suy yếu ở đầu phiên ngày 15/11 trong thời điểm Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo định kỳ hàng tháng đã nâng dự báo tăng trưởng sản lượng dầu đối với các nước ngoài OPEC. IEA dự báo tăng trưởng nguồn cung các nước ngoài OPEC sẽ tăng lên 2.3 triệu thùng/ngày vào năm tới, cao hơn so với dự báo trước đó là 2,2 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 13/11 cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng 2,2 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 1,649 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó trong cuộc thăm dò của hãng Reuters. EIA còn cho hay sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 200.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày./.