KTĐT - Đến đầu hẻm 119 Mễ Cốc, P.15, Q.8, TP.HCM, hỏi nhà anh Trần Văn Xạ hầu như ai cũng biết vì anh nổi tiếng là người con hiếu thảo ở địa phương suốt 15 năm qua.
Có những người con dâu, con rể hiếu thảo với cha mẹ chồng/vợ một cách đặc biệt khiến người xung quanh phải nể phục. Với họ, cha mẹ bạn đời cũng như đấng sinh thành của mình, phải chăm sóc hết mình bằng tình yêu thương và trách nhiệm.
Họ là những tấm gương đẹp trong số 341 “Người con hiếu thảo” cấp TP do Hội LHPN TP.HCM bầu chọn. Buổi lễ vinh danh sẽ được tổ chức vào ngày 19/10/2010.
“Y tá” của cha vợ
Đến đầu hẻm 119 Mễ Cốc, P.15, Q.8, TP.HCM, hỏi nhà anh Trần Văn Xạ hầu như ai cũng biết vì anh nổi tiếng là người con hiếu thảo ở địa phương suốt 15 năm qua.
Anh Trần Văn Xạ cùng vợ con
Năm 1990, anh Xạ từ Hà Nam vào TP.HCM tìm việc làm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Khi chưa xin được việc làm, anh sống bằng nghề sửa xe ở vỉa hè. Những khi không có khách, anh giữ con cho anh trai và chăm sóc cho ba vợ của anh trai, một cụ ông bị tai biến nằm một chỗ. Thấy anh hiền lành, cần cù và thương người nên người quen đã mai mối chị Nguyễn Thị Huê - giáo viên Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Q.8 cho anh. Chỉ sau vài lần trò chuyện, cô giáo Huê nhận ra đây là người sống có trách nhiệm và rất tình cảm nên đã đồng ý.
Khi anh chị kết hôn (năm 1994), nhiều lời gièm pha cho rằng anh chị là đôi đũa lệch: chị là cô giáo, trong khi anh là thợ sửa xe. Nhưng chẳng lâu sau, mọi người đều bảo chị Huê “số đỏ” và gia đình chị may mắn mới có được người con rể như anh. Anh Xạ rất yêu kính cha mẹ vợ cũng như các chị em trong gia đình. Rồi ba chị Huê bị bệnh parkinson hành hạ, tay chân run và đi đứng khó khăn. Trong nhà toàn con gái, chân yếu tay mềm, lại đi làm suốt ngày nên anh Xạ trở thành “y tá” đặc biệt của cha vợ.
Dù vợ chồng anh đã ra riêng, nhưng cứ 5g sáng là anh Xạ vô nhà cha vợ (cách gần 1km) để làm vệ sinh và giúp ông tập đi. Sau đó, anh đi làm (sau này anh làm thợ sửa chữa máy vi tính), và đúng 17g30 mỗi chiều là có mặt để tắm, giặt giũ quần áo cho cha vợ. Hôm nào kẹt việc phải về muộn, anh tranh thủ buổi trưa để làm nhiệm vụ của mình với cha vợ. Hầu như ngày nào, khi trở về, trên xe anh cũng có món ăn mà ba mẹ vợ thích. Suốt 12 năm chăm sóc cha vợ, anh chưa một lời than van hay cáu bẳn - dù người già khó tính. Hỏi vì sao anh có thể chăm sóc cha vợ trong suốt ngần ấy năm, anh cười: “Nghĩ đơn giản, nếu mình già mà không có ai chăm sóc thì buồn lắm. Hơn nữa đây là người đã sinh ra vợ mình. Người già mà được chăm sóc chu đáo và trò chuyện thì sẽ chóng khỏi bệnh”.
Chính tình thương và sự chăm sóc chu đáo của con rể mà ông cụ chẳng “chịu” ai khác chăm sóc mình. Những khi ông nằm viện, anh Xạ và người chị dâu của vợ được tín nhiệm túc trực bên cạnh. Chị Huê cảm động khi nhắc đến chồng: “Người ta cứ tưởng ông xã tôi là con ruột, chẳng ai tin con rể lại chăm sóc cha vợ chu đáo như thế. Sau khi ba tôi qua đời, anh ấy lại dồn tâm sức chăm sóc má tôi. Anh không chỉ là rể quý mà còn là người chồng, người cha, người dượng… tuyệt vời. Tôi bệnh, sức khỏe yếu nên anh thường giành làm việc nhà và đưa đón tôi đi dạy. Các cháu tôi đi học ở Q.Tân Bình, Q.Gò Vấp anh cũng đưa đón suốt hai năm. Anh còn bảo vợ chồng người cháu của tôi về ở để cháu đỡ chi phí thuê nhà. Cả nhà tôi đều mang ơn anh”.
Quên bản thân vì nhà chồng
Chồng đi làm xa, một tay chăm sóc ba đứa con, mẹ ruột bị liệt và mẹ chồng già yếu. Thế nhưng, không chỉ tròn vai người con, người dâu, người mẹ, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (ngụ 69/5 Nguyễn Công Trứ, P.19, Q.Bình Thạnh) còn tham gia công tác xã hội ở phường rất nhiệt tình.
Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng chăm sóc mẹ chồng như mẹ ruột
Từ ngày chị bén duyên với anh Nguyễn Ngọc Minh, một bác sĩ công tác tại Tây Ninh, vì nhiệm vụ, anh cứ đi biền biệt. Chị mang thai đứa con đầu tiên, một mình vật lộn với cuộc sống ở TP, vừa chăm sóc mẹ chồng già yếu, vừa trông nom mẹ ruột của mình đang bị liệt. Chị không kiềm được xúc động: “Lúc đó, tôi sắp xếp cho hai cụ nằm cùng với nhau. Cực nhọc mà nhà không có bóng dáng đàn ông, nhiều lần thấy tủi thân lắm”.
Một ngày, từ hơn 4g sáng, chị quay cuồng với đủ thứ việc: Chăm sóc hai người mẹ, lo cho ba đứa con và công việc của một UVTV Hội LHPN P.19, chi hội trưởng chi hội PN, tổ phó khu phố. “Chị bận như vậy, thời gian đâu mà lo công tác xã hội?”. Chị cười: “Có nhiều cách để hoạt động lắm. Cứ rảnh 5 hoặc 10 phút, tôi cũng chạy đi lo công tác, phải tranh thủ tối đa”. Đến cuối ngày, 12 giờ đêm chị mới thu xếp xong mọi việc, chạy qua với mẹ ruột (gần đây, chị thuê một phòng trọ cho mẹ ở gần đó để tiện chăm sóc). Dù vất vả là vậy, nhưng xóm giềng chưa một lần nghe chị than phiền về việc phải “gánh” mẹ chồng, cũng chưa bao giờ thấy con dâu-mẹ chồng bất hòa với nhau. Chị còn nhiều lần được khen thưởng “gương sáng hòa giải”, khi rất nhiệt tình đi “xử lý” mâu thuẫn cho người khác.
Vất vả chẳng kém chị Hằng, ngày chồng qua đời, xóm giềng đều nghĩ chị Lê Thị Mai Lan (351/2 Trần Phú, Q.5) sẽ rời bỏ gia đình chồng, bởi gia cảnh nhà chồng khó khăn tưởng không chịu đựng nổi. Những gánh nặng cơm áo gạo tiền khi cha mẹ chồng già yếu, em chồng nghiện ngập và ba đứa con thơ: 10 tuổi, 8 tuổi, 29 tháng, chỉ làm chị thêm mạnh mẽ.
Chị Lê Thị Mai Lan cùng mẹ chồng và con gái
Chị trở thành trụ cột của gia đình từ vật chất đến tinh thần. Đều đặn nửa tháng một lần, chị lặn lội lên Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân thăm nuôi em chồng là Trương Chấn Biêu trong suốt 5 năm trời. Đến năm 2005, Biêu được cho về và chị Lan đi vay mượn tiền để mua xe chạy xe ôm. “Không có chị Lan, đời tôi vứt rồi. Chị vừa là chị dâu, chị gái và là người ơn của tôi”, Biêu rưng rưng nói.
Do phải đảm nhiệm nhiều vai nên một ngày chị Lan “phân thân” khắp nơi. Sáng sớm chị ra chợ An Đông chuẩn bị dọn hàng hủ tíu cùng các chị chồng, rồi quay về lo bữa sáng cho ba má chồng và chuẩn bị cho các con đến trường. Sau đó chị lại ngồi chợ, trưa về hầm xương chuẩn bị cho buổi bán ngày mai. Buổi chiều, chị rong ruổi khắp nơi với xe bán quần áo, mỹ phẩm, rồi chị tranh thủ đi bỏ mối nước rửa chén cho quán ăn, nhà hàng…
Cũng nặng gánh gia đình như chị Lan, chị Phùng Thị Ngọc (SN 1962, ngụ 471/24 Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình) một mình nuôi bốn người con, trong đó có một người bị bệnh tự kỷ. Mẹ chồng chị nay 87 tuổi, bị tai biến nằm một chỗ, mẹ ruột 85 tuổi thường xuyên đau ốm và một người chị gái của chồng 62 tuổi bị bệnh trí tuệ kém phát triển. Chồng chị đã bỏ nhà đi đằng đẵng, người phụ nữ 48 tuổi (làm điều dưỡng tại BV Nguyễn Trãi, Q.5) này như sống giữa “vòng vây” người bệnh trong nhà.
Chị Phùng Thị Ngọc đang chăm sóc cho mẹ ruột và chị chồng
- Ảnh: Phùng Huy
Có người tỏ ý “bất công” giùm chị: “Sao phải khổ vậy? Người bà con bên chồng đâu hết mà để chị một vai đôi gánh?”. Chị chỉ giải thích: “Phận dâu con thì phải làm hết sức vai trò của mình. Lao nhọc để tích đức cho con cái thì cũng đáng làm lắm”.
Có những ngày chị Ngọc phải trực trắng đêm ở bệnh viện, nhưng về nhà cũng không kịp ngả lưng. Chăm sóc người bệnh vô vàn việc không tên, làm hoài không hết, chị không còn thời gian nghĩ đến mình.