Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách: Nâng chất lượng tác phẩm điện ảnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để kìm hãm tình trạng "xuống dốc không phanh" của phim Nhà nước thời gian gần đây, Cục Điện ảnh đã soạn thảo Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách, trình Chính phủ phê duyệt.

Như Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan nói: “Nếu Thông tư này được phê duyệt và đưa vào thực hiện thì phim do Nhà nước cấp kinh phí sẽ chất lượng hơn”.

Đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách: Nâng chất lượng tác phẩm điện ảnh - Ảnh 1

Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh 

Qua các mùa giải Cánh diều Vàng, những kỳ liên hoan phim trong nước, khu vực và quốc tế, những người yêu điện ảnh nhận thấy rõ sự "xuống dốc" của phim Nhà nước. Cơ quan tham mưu, quản lý ngành là Cục Điện ảnh sẽ tháo gỡ tình trạng này như thế nào, thưa bà?

- Để nâng cao chất lượng các bộ phim do Nhà nước cấp kinh phí, được Bộ VHTT&DL giao làm chủ đầu tư, Cục Điện ảnh đã soạn thảo và đang chờ Chính phủ phê duyệt Thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo đó, Cục sẽ áp dụng hình thức đấu thầu để đảm bảo cho những dự án tốt nhất, khả thi nhất được thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng điện ảnh nước nhà. Trước đây, các dự án được Nhà nước cấp kinh phí thường được Cục hợp đồng hoặc đặt hàng các hãng phim làm theo tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, không phải phim nào cũng đảm bảo đúng thời gian và đạt được mục tiêu ban đầu. Sắp tới, Cục sẽ áp dụng hình thức đấu thầu. Cụ thể, khi cần làm một bộ phim với những đề tài, tiêu chí cụ thể, Cục sẽ thông báo đến tất cả các đơn vị sản xuất phim và mời họ gửi những dự án phù hợp đến tranh thầu. Trong dự án đó phải có kịch bản và trình bày tất cả những điều kiện để làm phim như: Kinh phí, nhân lực, kỹ thuật, địa điểm, trang phục… Sau đó, đại diện dự án phải thuyết trình trước Hội đồng liên ngành, Bộ. Cuối cùng, Hội đồng sẽ xem xét cấp kinh phí cho dự án khả thi nhất.

Quỹ Phát triển điện ảnh Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh phát động tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 đang được triển khai như thế nào?

- Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh đã kêu gọi tất cả các doanh nghiệp điện ảnh, các hãng phim và những người yêu bộ môn nghệ thuật thứ Bảy ủng hộ Quỹ Phát triển điện ảnh Việt Nam. Mục đích là khuyến khích, hỗ trợ những dự án làm phim nhỏ, độc lập, nhưng có tìm tòi, sáng tạo… từ đó, tìm ra những tài năng điện ảnh tiếp tục thực hiện sứ mệnh của ngành. Đến nay, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đăng ký đóng góp vào quỹ này. Tuy nhiên, dự thảo về Quỹ Phát triển điện ảnh Việt Nam hiện vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho nên, Quỹ có được thành lập hay không đến nay vẫn chưa rõ.

Bà có suy nghĩ, đánh giá gì về thực trạng điện ảnh nước nhà hiện tại?

- Những người làm điện ảnh nước ta luôn tự hào về chặng đường 60 năm của điện ảnh cách mạng Việt Nam kể từ khi Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập doanh nghiệp quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953). Những năm đầu, mọi điều kiện làm phim đều khó khăn, nhưng người làm điện ảnh rất tâm huyết, tất cả đều vì tình yêu đối với đất nước. Còn nay, khi điều kiện làm phim đã được cải thiện thì chúng ta phải lo làm sao khích lệ được lòng yêu nghề, tâm huyết của những người làm điện ảnh.

Để cho ra đời những tác phẩm tạo được dấu ấn, mỗi nghệ sĩ phải đổi mới tư duy sáng tạo và xác định được vị trí, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, những người quản lý ngành cũng đang xây dựng Chiến lược phát triển và quy hoạch điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để làm "kim chỉ Nam" cho điện ảnh Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn bà!