Điều đáng nói là rất nhiều chi tiết đã không được làm sáng tỏ, gây hiểu lầm trong dư luận xã hội. Làm đúng quy định của pháp luật Gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt số 72, tuyến Yên Nghĩa - Xuân Mai do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, bên trúng thầu là Công ty CP Vận tải Hà Tây. Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Tại cuộc họp thương thảo ngày 14/3, Sở và đơn vị trúng thầu đã thống nhất bổ sung thêm nội dung bất khả kháng là “phát sinh lỗi của bên thứ 3” vào hợp đồng”. Tiếp đó, ngày 25/3, hợp đồng mới được ký kết, thời gian thực hiện hợp đồng không hề bị kéo dài ra, vẫn là 4 năm 9 tháng.
Trong quá trình thực hiện, do bên thứ 3 là nhà cung cấp phương tiện Thaco Trường Hải không đảm bảo được tiến độ bàn giao linh kiện dẫn đến việc chậm đưa xe vào hoạt động. Đây là lỗi phát sinh từ bên thứ 3, đồng thời khoản 7, điều 67 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 cũng nêu rõ: “Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng mà không làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận, thống nhất điều chỉnh”. Như vậy, việc Sở GTVT Hà Nội chỉ thực hiện đúng các quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký với bên trúng thầu không thể coi là “xé rào”. Về gói thầu số 82, tuyến buýt Yên Nghĩa - Mỹ Đức, trong hồ sơ mời thầu chỉ yêu cầu đơn vị tham gia đấu thầu cung cấp một trong 2 loại tài liệu: Báo cáo thuế hoặc Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hợp pháp. Do đó, đơn vị trúng thầu - Công ty CP Vận tải & Dịch vụ Bảo Châu nộp hồ sơ dự thầu kèm Báo cáo tài chính đã được Công ty Kiểm toán Thăng Long TĐK kiểm toán là đúng quy định. Sau khi có đơn kiến nghị của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, Sở GTVT Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý. Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 303/QLĐT - CS xác nhận việc Công ty Bảo Châu sử dụng Báo cáo tài chính đã qua kiểm toán để dự thầu là hoàn toàn đúng pháp luật. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: “Để chắc chắn và minh bạch hơn, Sở lại tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý đấu thầu, Sở KH&ĐT Hà Nội, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Cục Thuế và Thanh tra TP Hà Nội vào ngày 11/4. Tại cuộc họp, các bên tham gia đã thống nhất quan điểm: “Công tác tổ chức đấu thầu gói thầu xe buýt tuyến số 82 đã tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật”. Qua đó, có thể thấy Sở GTVT Hà Nội đã làm việc đúng quy trình, chặt chẽ, khẩn trương, có tham vấn ý kiến của các bộ, sở, ngành liên quan một cách nghiêm túc, minh bạch. Công ty Bảo Yến tạo tiền lệ xấu? Về nội dung khiếu kiện kết quả đấu thầu gói thầu xe buýt số 82 của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, tại Văn bản số 439/QLĐT - CS ngày 20/5, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương đã có ý kiến: “Việc Công ty Bảo Yến có được các thông tin trong hồ sơ dự thầu của Công ty CP Dịch vụ và vận tải Bảo Châu là có dấu hiệu của việc tiết lộ, tiếp nhận tài liệu thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, vi phạm quy định tại khoản 7, điều 89, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13”. Đại diện Cục Quản lý đấu thầu cũng đề nghị: “Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư) cần rà soát, xem xét có hay không hành vi tiết lộ, tiếp nhận tài liệu thông tin nói trên. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì chủ đầu tư có quyền xem xét, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại khoản 1, điều 121; khoản 3, điều 122 Nghị định số 63/2014/ NĐ - CP và quy định liên quan khác của pháp luật”. Hiện vẫn chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào quan tâm, làm rõ nội dung Cục Quản lý đấu thầu nêu tại Văn bản số 439/QLĐT - CS về động cơ và nguồn gốc thông tin mà Công ty Bảo Yến căn cứ để khiếu kiện. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Sở GTVT Hà Nội căn cứ trên mức bỏ giá của các đơn vị tham gia dự thầu. Theo đó, Công ty Bảo Yến đề xuất mức trợ giá đối với TP Hà Nội là trên 59 tỷ đồng, trong khi mức đề xuất trợ giá của Công ty Bảo Châu chỉ là trên 51 tỷ đồng. Nếu được thực hiện theo đúng kết quả lựa chọn nhà thầu, ngân sách TP sẽ tiết kiệm được tới 8 tỷ đồng trợ giá cho tuyến buýt số 82. Với 2 gói thầu được tiến hành đúng quy trình, quy định của pháp luật từ khâu mời thầu cho đến mở thầu, thực hiện, Sở GTVT Hà Nội đã làm chính xác, minh bạch phần việc của mình. Bên cạnh đó, việc một DN thua thầu, có dấu hiệu thu thập, sử dụng các thông tin trái pháp luật để khiếu kiện, hạ uy tín của cơ quan quản lý nhà nước rất có thể sẽ tạo tiền lệ xấu trong dư luận xã hội.
Gói thầu tuyến buýt số 82 Yên Nghĩa - Mỹ Đức sẽ tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khu vực Tây Nam TP. Ảnh: Lê Vy |