Hầu hết các dự án đều thực hiện qua hợp đồng dự án. Vấn đề nhức nhối đó là giá thành công trình xây dựng tại Việt Nam đang không phụ thuộc vào yếu tố giá thuần túy mà lại phụ thuộc vào việc “chủ đầu tư là ai?”.
Thiếu chuyên nghiệp và minh bạch
Quản lý giá hợp đồng là một công cụ quan trọng trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng liên quan trực tiếp đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan quản lý và các chuyên gia, hiện nay, vẫn còn có một số tồn tại, bất cập trong công tác xác định chi phí đầu tư trong các giai đoạn, bao gồm cả mặt nội dung và phương pháp xác định. Nhiều nội dung chi phí còn thiếu, phương pháp tính còn mang tính bình quân, chưa phản ánh hết được đặc điểm của sản phẩm xây dựng dẫn đến hợp đồng thì tính thừa chi phí, hợp đồng lại thiếu.
Trong khi Việt Nam có những lợi thế như giá nhân công còn thấp, nhiều chủng loại vật liệu xây dựng có thể sản xuất trong nước với chất lượng tốt, vậy nhưng giá thành xây dựng ở ta lại đắt hơn giá thành xây dựng ở các nước láng giềng, thậm chí cả Mỹ. Theo KS Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, giá thành công trình xây dựng đang phụ thuộc vào việc chủ đầu tư là ai. Theo phân tích của chuyên gia này, chủ đầu tư là cá nhân, hộ gia đình thường quản lý đồng vốn chặt nhất, giá thành công trình rẻ nhất (tất nhiên còn nguyên nhân là do công trình quy mô nhỏ nên cắt giảm được nhiều loại chi phí như quản lý, tư vấn...). Chủ đầu tư là các công ty, tổng công ty, tập đoàn cổ phần trong và ngoài nước (không có nguồn vốn, cổ phần Nhà nước), các DN này đa phần sử dụng công ty tư vấn chuyên nghiệp đặc biệt là trong chọn thầu nên thực sự làm chủ được đồng vốn của chính mình. Các công trình của chủ đầu tư này thường có giá thành hợp lý, đảm bảo tiến độ, chất lượng trong khi giá thành còn thấp hơn các dự án ở các nước láng giềng. Có nhiều câu hỏi đặt ra nhất đó là diện chủ đầu tư các dự án đầu tư công, dự án có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hoặc do Nhà nước bảo lãnh. Các dự án mang yếu tố “công” này thường có giá thành cao, thậm chí rất cao; dự án luôn hiệu chỉnh, đội vốn, tiến độ kéo dài.
Từ sự thiếu minh bạch trong đấu thầu và yếu kém trong quản lý dự án đầu tư công, tại một số dự án, chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn đã nâng giá dự toán công trình ngay từ khi lập dự án để sau này là kẽ cho nhóm lợi ích. Qua thẩm định tại một số địa phương, Bộ Xây dựng đã phát hiện có những dự án đã tăng 1,5 lần dự toán, cá biệt có trường hợp tăng dự toán gấp 2 lần. Việc tồn tại nhiều kẽ hở trong quá trình quản lý, thi công, quản lý hợp đồng đã dẫn đến những thất thoát, lãng phí mà điển hình là dự án đợt II Gang thép Thái Nguyên, đội vốn gấp đôi từ 4.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng, dự án kéo dài 8 năm chưa xong.
Thời gian qua dư luận đặc biệt quan tâm đến chuyện đội giá ở các dự án hạ tầng giao thông lớn. Thực tế cho thấy các dự án đường sắt đô thị đều đội giá. Tại TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7km, trong đó có 2,6km ngầm, đội giá từ 1,09 tỷ USD lên 2,47 tỷ USD (tăng 126,6%). Ở Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13,08km, giá đội từ 552,86 triệu lên 868,04 triệu USD (tăng 57%)... Về vấn đề đội giá của một số dự án hạ tầng giao thông lớn, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt câu hỏi, tại sao với các dự án lớn như vậy, chủ đầu tư không thuê tư vấn quản lý dự án mà cứ muốn tự mình quản lý để rồi lại tự nhận là “chưa có kinh nghiệm” (?). Ở Trung Quốc với các dự án công từ 5 triệu NDT trở lên, theo quy định chủ đầu tư phải thuê tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp. Tư vấn quản lý dự án sẽ tiến hành quản lý giá trị trong cả hai giai đoạn trước và sau hợp đồng. Thiếu minh bạch hóa thông tin về dự án, về chủ đầu tư, về tư vấn khảo sát lập dự án, thiết kế... là những hạn chế, dẫn đến việc không rõ trách nhiệm khi các dự án có vấn đề.
Muôn mặt gian lận trong đấu thầu
Có rất nhiều nhóm yếu tố gây ảnh hưởng, tạo ra những bất cập trong quản lý giá hợp đồng xây dựng. Trong đó “nóng” nhất là khâu đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Theo đánh giá của các chuyên gia, công tác đấu thầu hiện còn chưa được coi trọng đúng mức, chưa công khai, minh bạch, thậm chí còn nhiều tiêu cực dẫn đến giá thành cao. Việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực dẫn đến kéo dài tiến độ, phải bổ sung vốn, gây lãng phí thất thoát.
ThS. Lê Sỹ Bảy – Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế Ngành Thanh tra Chính phủ đã có những phân tích rõ nét về nhóm yếu tố có gian lận trong đấu thầu làm phát sinh tăng thêm giá xây dựng sau đấu thầu, đặc biệt là tình trạng thông thầu. Biểu hiện của thông thầu đó là giá trúng thầu quá cao so với dự toán, so với các biểu giá được công bố, hay với các công việc tương tự, mức giá bình quân trong ngành. Thông thầu rõ nét thể hiện trong việc một số nhà thầu thay phiên nhau thắng thầu, có sự phân chia theo công việc, loại hình công việc hoặc khu vực địa lý. Các dấu hiệu bất thường của hồ sơ dự thầu được nhận diện là chào giá quá cao, chào giá quá sát hoặc chào giá quá gần nhau. Tại các hồ sơ dự thảo này, những con số thường quá “tròn trịa”, không hoàn chỉnh giống một hồ sơ dự thầu.
Gian lận trong đấu thầu còn thể hiện ở tình trạng lạm dụng quy định về yêu cầu sửa đổi hợp đồng. Khi đó một nhà thầu nhiều lần sửa đổi hợp đồng một cách bất thường, không có lý do và được phê duyệt bởi cùng một chủ đầu tư. Có trường hợp trao hợp đồng cho nhà thầu chào giá thấp nhất, sau đó cho phép sửa đổi hợp đồng làm tăng giá hoặc tăng quy mô hợp đồng, hoặc gia hạn thời hạn hợp đồng. Bên cạnh đó còn phải kể đến tình trạng thao túng các hồ sơ dự thầu, sắp đặt thông số kỹ thuật, chia nhỏ gói thầu mua sắm, chào giá không cân đối (chào giá thấp một cách phi lý rồi sau đó yêu cầu sửa đổi hợp đồng theo hướng làm giảm khối lượng)...
Để chống tiêu cực trong đấu thầu, ông Trần Ngọc Hùng đề xuất, trên cơ sở các quy định của Luật Đấu thầu cần coi trọng quản lý đấu thầu công khai, minh bạch chống tiêu cực, xóa bỏ tình trạng “quân xanh, quân đỏ” và đặc biệt là phải hạn chế tối đa chỉ định thầu. Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm, Bộ Xây dựng cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm pháp lý của các cơ quan tư vấn liên quan đến xác định giá trong xây dựng như tư vấn khảo sát, thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn khảo sát. Cần có chế tài xử lý nghiêm đối với từng hành vi, thiếu sót, sai phạm của các cơ quan này. Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đoạn qua đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Công Hùng
|
Các dự án sử dụng vốn Nhà nước có những quy định kiểm soát rất khắt khe và chịu tác động của nhiều quy định pháp luật việc xác định giá cũng phức tạp hơn. Suất đầu tư của các dự án còn nhiều băn khoăn, không biết là cao hay thấp, đặc biệt là về GPMB. Ngay cả con số ban đầu trong xác định tổng mức đầu tư đã xác thực hay chưa bởi con số dao động 10 - 20% của một số dự án nhiều khi bị phá vỡ rất sớm (?). Việc duyệt tổng mức đầu tư nhiều khi cũng bị “gò” để duyệt, sau đó lại dẫn đến đội giá. Thưởng phạt trong thực hiện hợp đồng xây dựng cũng chưa rõ ràng, cần có cơ chế để đưa vào quy định pháp luật.
TS Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Một số dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sử dụng vốn vay ODA, chỉ tính từ lúc lập dự án lần đầu cho đến khi xây dựng tổng mức đầu tư đã vượt tăng từ 1,5 - 2,5 lần với giá trị tăng thêm của mỗi dự án từ trên 300 triệu đến hơn 1 tỷ USD. Suất đầu tư cho mỗi km của các dự án này đều lớn hơn nhiều so với dự án tương tự ở các nước khác. Do vậy, cần tổng hợp số liệu thống kê, cập nhật định kỳ về suất đầu tư cho từng loại công trình như đường, cầu, cầu dẫn, cầu đặc biệt, hầm các loại... ở các nước tiên tiến và trong khu vực, quy đổi về mặt bằng giá cùng một thời điểm, để tham khảo khi rà soát sơ bộ tổng mức đầu tư. TS Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam
|