Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư vào dầu mỏ giảm trong năm 2009

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã không buông tha bất cứ ngành nào, kể cả ngành công nghiệp dầu mỏ.

KTĐT - Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã không buông tha bất cứ ngành nào, kể cả ngành công nghiệp dầu mỏ.

Số liệu của Viện dầu mỏ Pháp (IFP) cho biết, trong năm 2009, đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ trên toàn thế giới giảm 16%. Sự sụt giảm này được nhận thấy rõ nét nhất ở khu vực Bắc Mỹ (-37%). Bù lại, dòng vốn chảy về các giàn khoan châu Á dường như vẫn ổn định. 
 
Theo nhận xét của bà Nathalie Alazard-Toux, Giám đốc phụ trách kinh tế và nghiên cứu của IFP, năm nay chỉ có các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc là làm ăn được vì có Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư, không chỉ trong các hoạt động thăm dò khai thác, mà trong cả các phi vụ mua lại cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này, nhằm đáp ứng nguồn cung cấp trong nước. 
 
Các công ty bị thiệt hại nhất trong cuộc chơi này chính là những doanh nghiệp hạng trung, hoạt động độc lập ở Mỹ và Biển Bắc, do không thể tìm được các nguồn vốn tín dụng bổ sung, trong khi giá dầu trên thị trường liên tục sụt giảm, từ mức kỷ lục 147 USD/thùng vào mùa hè 2008 xuống còn 35 USD/thùng hồi tháng 1/2009. Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Exxon Mobil, Exxon, BP, Shell, Total cũng chỉ vừa đủ sức để duy trì mức đầu tư của họ.
 
Do vốn đầu tư giảm, số lượng các giàn khoan hoạt động cũng bị giảm theo: - 33% trên đất liền và - 11% trên biển. Một lần nữa, hoạt động của Trung Quốc lại trái ngược với các nước khác trên thế giới, thể hiện qua số lượng giàn khoan của nước này đa tăng lên 15%.
 
Về tình hình sản xuất, năm nay, công suất của các nhà máy lọc dầu vượt quá nhu cầu 7 triệu thùng/ngày. IFP dự kiến xu hướng cung vượt cầu này sẽ còn tiếp tục ít nhất đến năm 2015. Vậy liệu điều này có tác động đến những dự báo về giá dầu trong tương lai?
  
Theo nhận định của Olivier Appert, Chủ tịch IFP, cảm giác nguồn cung dư thừa trước mắt cùng với dự đoán sẽ căng thẳng về mặt trung hạn dẫn đến khả năng giá dầu cân bằng ở mức xung quanh 70 USD/thùng. Theo ông, từ vài tuần nay, giá dầu đã lên đến mức 80 USD/thùng là do các hoạt động đầu cơ chi phối. Vì vậy không loại trừ khả năng giá dầu có thể tăng đột biến, lên đến 100 USD/thùng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, các hoạt động đầu tư cũng sẽ được khôi phục, do đó sẽ có thể ngăn ngừa nguy cơ leo thang giá kiểu này.
  
Về dự báo năm 2010, IFP cho rằng hoạt động đầu tư sẽ ở mức ổn định trên toàn cầu, trong khi sản xuất dầu tiếp tục tăng, ngay cả đối với các nước không phải là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Cách đây ít ngày, trong báo cáo hàng năm về "Triển vọng năng lượng thế giới", Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng dự báo năng lực sản xuất của các nước bên ngoài OPEC (Bắc Mỹ, chủ yếu là Nga), sẽ đạt đỉnh cao kể từ năm 2010.