Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy con nói lời ngoan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị đang ngồi chơi ở nhà người bạn cũ lâu ngày mới gặp thì con trai bạn từ đâu chạy về, sau khi chào khách, nũng nịu sà vào lòng mẹ: “Con xin mẹ ăn cam ạ!”.

Người bạn mỉm cười hài lòng nhìn con và bóc múi cam đưa cho con. Cu cậu cầm múi cam ăn rất ngon lành. Ăn xong, nó lại nói: “Con xin mẹ ăn cam nữa ạ”... Đến lúc uống nước, cháu cũng nói: “Con xin mẹ uống nước ạ”. Những lời nói của thằng bé mới đầy hai tuổi làm chị rất thích thú. Chị xoa đầu bé khen: “Ôi, con trai ngoan quá nhỉ. Thế ai dạy con nói vậy”. Bé rất vui khoe ngay: “Con học từ mẹ đấy”. Quay sang bạn, chị nói: “Cu con nhà cậu ăn nói ngoan thật đấy. Mình gặp rất nhiều đứa bé ở tuổi tập nói như con cậu, nhưng chúng cứ nói những câu nghe qua thì có vẻ rất buồn cười nhưng ngẫm ra rất vô lễ như thay vì gọi bố, gọi mẹ chúng cứ gọi tên không. Có đứa còn gọi ông nội tên Tam là “Tam ơi, lấy cho cu cái mũ”. Trong khi đó, bố mẹ, ông bà không những không phiền lòng, lại còn lấy thế làm vui, làm ngộ nghĩnh và cười. Cứ thế, chúng nói thành quen”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
“Thế thì không được đâu. Trẻ con hay bắt chước người lớn lắm. Mình phải uốn nắn cho nó ngay từ bé chứ. Lời ăn tiếng nói cũng quan trọng lắm” - người bạn vội nói. Và kể câu chuyện của mình: Cũng như con trai, từ nhỏ chị đã được bố mẹ dạy bảo, uốn nắn cho những câu nói chỉn chu, lễ phép. Bây giờ có con nhỏ, chị lại truyền lại cho con. Là một đứa bé thông minh, nên chị chỉ dạy vài lần là bé nhớ ngay. Đến bây giờ, muốn ăn, hay muốn lấy cái gì, bé đều nói “con xin...”. Chị cũng nói với mọi người trong gia đình từ ông bà đến chồng mình, rồi cô chú, hễ bé muốn thứ gì đều phải bảo cháu xin mới cho. Hoặc bé đưa cho cái gì cũng nên nói “... xin” để tạo thành nếp. Và chỉ từ những cái rất nhỏ ấy, con chị dù mới tập nói nhưng đã có được những câu tròn trĩnh, dễ thương.

Thực tế, nhiều đứa trẻ khi nói những câu hỗn láo hay vô lễ, người lớn liền áp dụng ngay biện pháp là đánh hoặc mắng mà quên mất rằng, có khi chỉ là vô tình chính người lớn đã “làm gương” cho trẻ bắt trước bởi những câu nói vô tư của mình hàng ngày. Do đó, để trẻ nói lời ngoan, tốt nhất người lớn phải gương mẫu trong lời ăn tiếng nói. Cố gắng hạn chế tối đa những câu nói bậy, chửi thề, nói những câu thiếu lễ phép. Bởi người ta thường nói “trẻ lên ba, cả nhà học nói". Còn nếu trẻ vô tình học được những câu nói không hay từ bạn bè, người ngoài, người lớn, thay vì quát mắng hoặc áp đặt ngay là trẻ hư, hãy giải thích cho trẻ hiểu nói như vậy là không tốt. Một đứa trẻ biết nói lời ngoan sẽ là một đứa trẻ đúng mực và biết cách cư xử khi trưởng thành. Đừng nên bỏ qua việc tưởng như rất nhỏ nhặt ấy để hình thành cho trẻ kỹ năng sống tốt.